05 trường hợp không xét tặng Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam? Đạt bao nhiêu điểm thì được xét tặng Giải thưởng?
05 trường hợp không xét tặng Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam?
05 trường hợp không xét tặng Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam được quy định tại khoản 6 Điều 2 Quy chế xét tặng Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 4100/QĐ-BNN-TCCB năm 2024 bao gồm:
- Tập thể, cá nhân trong thời gian cơ quan có thẩm quyền đang xem xét thi hành kỷ luật hoặc điều tra, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo; có vấn đề tham nhũng, tiêu cực được báo chí nêu đang được xác minh làm rõ.
- Sản phẩm của các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật;
- Sản phẩm không được pháp luật cho phép sản xuất, kinh doanh hoặc không được khuyến khích sử dụng;
- Sản phẩm vi phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trái đạo đức; không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam;
- Trường hợp sản phẩm tham dự xét tặng Giải thưởng liên quan đến bí mật nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
05 trường hợp không xét tặng Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam? Đạt bao nhiêu điểm thì được xét tặng Giải thưởng? (Hình từ Internet)
Sản phẩm tham gia xét tặng Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam đạt bao nhiêu điểm thì được xét tặng Giải thưởng?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Quy chế xét tặng Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 4100/QĐ-BNN-TCCB năm 2024 như sau:
Điều kiện xét tặng Giải thưởng
Giải thưởng trao tặng cho các tập thể, cá nhân (tác giả, đồng tác giả) trong, ngoài ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam và đáp ứng các điều kiện sau:
1. Thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nằm trong nhóm sản phẩm quy định tại Điều 3 Quy chế này.
2. Sản phẩm tham gia xét tặng Giải thưởng phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận:
a) Các phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích: được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ sở hữu công nghiệp;
b) Kết quả công trình nghiên cứu khoa học: đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp có thẩm quyền nghiệm thu và nhận xét, đánh giá tốt, được công bố hoặc ứng dụng trong thực tiễn ít nhất 03 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng và được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận;
c) Các loại giống cây trồng nông, lâm nghiệp; giống vật nuôi và thủy sản; vật tư nông nghiệp, máy móc thiết bị, sản phẩm nông, lâm, thủy sản, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, được áp dụng, triển khai vào sản xuất trong thời gian ít nhất 03 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng và được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận;
d) Sản phẩm hàng hoá nông nghiệp chất lượng cao, có uy tín (sản phẩm OCOP quốc gia…) được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác nhận;
đ) Các mô hình về tổ chức sản xuất, phát triển nông thôn đã được đánh giá, thực tế kiểm nghiệm có hiệu quả kinh tế, có ảnh hưởng tốt đối với ngành, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác nhận.
3. Các sản phẩm được Hội đồng xét tặng chuyên ngành chấm điểm bình quân đạt tối thiểu từ 70 điểm trở lên (thang điểm tối đa là 100) mới đủ điều kiện trình Hội đồng xét tặng cấp Bộ xét, trình Bộ trưởng quyết định trao tặng Giải thưởng (tiêu chí cụ thể của từng nhóm sản phẩm được quy định tại Mẫu số 10, 11, 12 ban hành kèm theo Quy chế này).
4. Có đầy đủ tài liệu chứng minh những sản phẩm đó thuộc quyền sở hữu của cá nhân, tập thể. Không có tranh chấp về quyền tác giả, không có khiếu kiện, khiếu nại về năng suất, chất lượng của sản phẩm; an toàn với môi trường và con người. Ngoài ra, đối với nhóm sản phẩm thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ không vi phạm quy định tại Điều 8 Luật Khoa học và công nghệ.
5. Đối với các cá nhân là doanh nhân, tập thể thuộc các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác ngoài những điều kiện quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều này, còn thực hiện theo quy định tại Điều 66, Điều 67 của Nghị định số 98/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Thi đua, khen thưởng.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì sản phẩm tham gia xét tặng Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam phải được Hội đồng xét tặng chuyên ngành chấm điểm bình quân đạt tối thiểu từ 70 điểm trở lên (thang điểm tối đa là 100) thì đủ điều kiện trình Hội đồng xét tặng cấp Bộ xét tặng Giải thưởng và trình Bộ trưởng quyết định trao tặng Giải thưởng.
Số lượng sản phẩm tối đa được trao tặng Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam là bao nhiêu?
Căn cứ vào Điều 4 Quy chế xét tặng Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 4100/QĐ-BNN-TCCB năm 2024 quy định như sau:
Cơ cấu Giải thưởng
Số lượng, cơ cấu Giải thưởng cụ thể của từng nhóm sản phẩm do Ban tổ chức Giải thưởng quy định trong mỗi lần tổ chức xét tặng Giải thưởng. Một lần xét tặng Giải thưởng, Ban tổ chức sẽ lựa chọn trao giải tối đa cho 100 sản phẩm thuộc nhóm đối tượng được quy định tại Điều 3 Quy chế này.
Theo đó, giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam được trao tặng tối đa cho 100 sản phẩm thuộc nhóm đối tượng được quy định tại Điều 3 Quy chế xét tặng Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 4100/QĐ-BNN-TCCB năm 2024 trong một lần xét tặng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Môi giới thương mại có nằm trong các hoạt động trung gian thương mại của thương nhân hay không?
- Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất mới nhất?
- Mẫu biên bản bàn giao công việc khi nghỉ thai sản mới nhất? Cách tính tiền trợ cấp của lao động nữ đi làm sớm sau thai sản như thế nào?
- Công dân có được giám sát các dự án đầu tư thông qua Ban giám sát đầu tư của cộng đồng hay không?
- Thiết kế xây dựng gồm những gì? Thiết kế xây dựng công trình được thực hiện theo mấy bước theo quy định?