Ai là người đứng đầu Kiểm toán nhà nước? Người đứng đầu Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm như thế nào?
Ai là người đứng đầu Kiểm toán nhà nước?
Theo khoản 1 Điều 12 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 quy định như sau:
Tổng Kiểm toán nhà nước
1. Tổng Kiểm toán nhà nước là người đứng đầu Kiểm toán nhà nước, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội về tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước.
2. Tổng Kiểm toán nhà nước do Quốc hội bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
3. Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán nhà nước là 05 năm theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Tổng Kiểm toán nhà nước có thể được bầu lại nhưng không quá hai nhiệm kỳ liên tục.
Theo quy định nêu trên thì Tổng Kiểm toán nhà nước là người đứng đầu Kiểm toán nhà nước.
Tổng Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội về tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước.
Người đứng đầu Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm như thế nào?
Theo Điều 13 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019) quy định người đứng đầu Kiểm toán nhà nước (Tổng Kiểm toán nhà nước) có trách nhiệm như sau:
- Lãnh đạo và chỉ đạo Kiểm toán nhà nước thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 10 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a, điểm b và điểm c khoản 2 Điều 1 Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019) và Điều 11 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a, b khoản 3 Điều 1 Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019).
- Trình bày báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm, báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp, báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội; trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trước Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội.
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.
- Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp cụ thể để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm toán nhà nước; phòng, chống tham nhũng trong cơ quan Kiểm toán nhà nước theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền của công chức, viên chức thuộc Kiểm toán nhà nước.
- Ban hành Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng để quy định trình tự, thủ tục tiến hành kiểm toán, việc xác minh, làm rõ vụ việc tham nhũng, việc công khai báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
- Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước.
- Trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định biên chế và việc thành lập, sáp nhập, giải thể đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước.
- Thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm tính độc lập và chất lượng kiểm toán trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Ai là người đứng đầu Kiểm toán nhà nước? Người đứng đầu Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm như thế nào? (Hình từ Internet)
Quyền hạn của người đứng đầu Kiểm toán nhà nước được quy định như thế nào?
Theo Điều 14 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 quy định về quyền hạn của người đứng đầu Kiểm toán nhà nước (Tổng Kiểm toán nhà nước) như sau:
- Ban hành quyết định kiểm toán.
- Được mời tham dự phiên họp toàn thể của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, phiên họp của Chính phủ về vấn đề có liên quan.
- Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Kiến nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thủ trưởng cấp trên trực tiếp của đơn vị được kiểm toán xử lý theo thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật cho Kiểm toán nhà nước; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.
Trường hợp kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước không được giải quyết hoặc giải quyết không đầy đủ thì Tổng Kiểm toán nhà nước kiến nghị người có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
- Quyết định việc kiểm toán theo đề nghị của cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 3 Điều 10 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 (được sửa đổi bởi điểm a khoản 2 Điều 1 Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019)
- Quyết định việc niêm phong tài liệu, kiểm tra tài khoản của đơn vị được kiểm toán hoặc cá nhân có liên quan.
- Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với Phó Tổng Kiểm toán nhà nước.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nguyên tắc tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo Thông tư 74/2024 thế nào?
- Cơ sở dữ liệu về các loại tài sản công do cơ quan nào xây dựng? Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công bao gồm cơ sở dữ liệu nào?
- Ngân hàng giám sát là gì? Ngân hàng giám sát được thực hiện lưu ký tài sản của công ty đầu tư chứng khoán không?
- Quản lý chi phí đầu tư xây dựng là gì? Nội dung quản lý chi phí đầu tư xây dựng bao gồm những gì?
- Thông tin chi tiết trong cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng gồm những gì? Thông tin này có phải là dữ liệu mở?