Áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu đối với khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết theo nguyên tắc kế toán và quy trình ra sao?
- Nhà đầu tư phải áp dụng hoặc không phải áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu trong trường hợp nào?
- Nguyên tắc kế toán và quy trình áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu đối với khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết được quy định ra sao?
- Nhà đầu tư dừng áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu kể từ thời điểm nào?
Nhà đầu tư phải áp dụng hoặc không phải áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu trong trường hợp nào?
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 60 Thông tư 202/2014/TT-BTC quy định về phạm vi áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu đối với nhà đầu tư như sau:
* Nhà đầu tư phải áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu để trình bày khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết khi lập Báo cáo tài chính hợp nhất.
- Trường hợp báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ và các công ty con đã trình bày khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết theo phương pháp vốn chủ sở hữu thì khi lập Báo cáo tài chính hợp nhất, công ty mẹ không phải điều chỉnh đối với phần đã được xử lý trên báo cáo tài chính riêng.
- Trường hợp báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ và các công ty con chưa trình bày khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết theo phương pháp vốn chủ sở hữu thì khi lập Báo cáo tài chính hợp nhất, công ty mẹ phải điều chỉnh lại theo quy định của Thông tư này.
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 60 Thông tư này có quy định nhà đầu tư không phải áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu đối với các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết nếu doanh nghiệp là công ty mẹ được miễn lập Báo cáo tài chính hợp nhất theo quy định của pháp luật hoặc nếu thoả mãn đồng thời tất cả các điều kiện sau:
- Là công ty con bị sở hữu toàn bộ hoặc một phần bởi một doanh nghiệp khác và các cổ đông của doanh nghiệp (kể cả các cổ đông không có quyền biểu quyết) chấp thuận;
- Công cụ vốn và công cụ nợ của doanh nghiệp không được giao dịch trên thị trường (không được giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán trong nước hoặc nước ngoài, thi trường OTC địa phương và khu vực);
- Không trong quá trình nộp hồ sơ và báo cáo tài chính lên cơ quan có thẩm quyền để phát hành các công cụ tài chính ra thị trường;
- Công ty mẹ của doanh nghiệp lập Báo cáo tài chính hợp nhất cho mục đích phát hành ra công chúng theo quy định của Chuẩn mực kế toán.
Áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu đối với khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết theo nguyên tắc kế toán và quy trình ra sao? (Hình từ Internet)
Tải trọn bộ các văn bản về nguyên tắc kế toán và phương pháp vốn đối với khoản đầu tư vào công ty liên doanh hiện hành: Tải về
Nguyên tắc kế toán và quy trình áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu đối với khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết được quy định ra sao?
Theo Điều 62 Thông tư 202/2014/TT-BTC quy định về nguyên tắc kế toán và quy trình áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu đối với khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết như sau:
- Theo phương pháp vốn chủ sở hữu, khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết được ghi nhận ban đầu theo giá gốc. Sau đó, giá trị ghi sổ của khoản đầu tư được điều chỉnh tăng hoặc giảm tương ứng với phần sở hữu của nhà đầu tư trong lãi hoặc lỗ của bên được đầu tư sau ngày đầu tư. Phần sở hữu của nhà đầu tư trong kết quả kinh doanh của bên được đầu tư được ghi nhận vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư. Các khoản được chia từ bên được đầu tư phải hạch toán giảm giá trị ghi sổ của khoản đầu tư. Việc điều chỉnh giá trị ghi sổ cũng phải thực hiện khi lợi ích của nhà đầu tư thay đổi phát sinh từ các khoản thu nhập được ghi nhận trực tiếp vào vốn chủ sở hữu của bên được đầu tư, như việc đánh giá lại TSCĐ, chênh lệch tỷ giá do chuyển đổi báo cáo tài chính.
* Lãi hoặc lỗ từ các giao dịch giữa tập đoàn với các công ty liên doanh, liên kết chỉ được ghi nhận trong Báo cáo tài chính hợp nhất tương ứng với phần sở hữu của các bên khác theo nguyên tắc:
(1) Đối với giao dịch theo chiều xuôi
- Nếu phát sinh khoản lỗ khi góp vốn bằng tài sản phi tiền tệ hoặc bán tài sản cho công ty liên doanh, liên kết, nhà đầu tư phải ghi nhận ngay toàn bộ khoản lỗ đó trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất.
- Nếu phát sinh lãi khi góp vốn bằng tài sản phi tiền tệ hoặc bán tài sản cho công ty liên doanh, liên kết, nhà đầu tư chỉ ghi nhận khoản lãi tương ứng với phần sở hữu của các bên khác trong công ty liên doanh, liên kết. Khoản lãi chưa thực hiện tương ứng với phần sở hữu của tập đoàn được phân bổ dần vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, cụ thể:
- Đối với tài sản cố định, bất động sản đầu tư: Việc phân bổ dần khoản lãi chưa thực hiện được căn cứ vào thời gian khấu hao của công ty liên doanh, liên kết;
- Đối với tài sản và nợ phải trả khác: Việc phân bổ khoản lãi chưa thực hiện được căn cứ vào thời gian thu hồi tài sản hoặc thanh toán nợ phải trả.
(2) Đối với giao dịch theo chiều ngược:
- Khi công ty liên doanh, liên kết phát sinh khoản lỗ từ việc bán tài sản cho tập đoàn, nhà đầu tư chỉ ghi nhận phần lỗ tương ứng với phần sở hữu của tập đoàn trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất.
- Nếu phát sinh lãi, nhà đầu tư không được ghi nhận phần lãi tương ứng với phần sở hữu của mình từ giao dịch đó.
* Khoản đầu tư được kế toán theo phương pháp vốn chủ sở hữu kể từ ngày bên được đầu tư trở thành công ty liên doanh hoặc liên kết. Khi mua khoản đầu tư, phần chênh lệch giữa giá phí khoản đầu tư và phần sở hữu của nhà đầu tư trong giá trị hợp lý của tài sản thuần có thể xác định được của bên được đầu tư được kế toán như sau:
- Lợi thế thương mại phát sinh khi mua khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết được trình bày gộp vào giá trị ghi sổ của khoản đầu tư. Doanh nghiệp không được phân bổ dần khoản lợi thế thương mại này.
- Phần chênh lệch giữa phần sở hữu của nhà đầu tư trong giá trị hợp lý của tài sản thuần có thể xác định được của bên được đầu tư lớn hơn giá phí khoản đầu tư được ghi nhận ngay là thu nhập khi xác định phần sở hữu của nhà đầu tư trong kết quả kinh doanh của công ty liên doanh, liên kết phù hợp với kỳ mua khoản đầu tư.
- Các điều chỉnh đối với phần sở hữu của nhà đầu tư trong kết quả kinh doanh của công ty liên doanh, liên kết sau ngày mua phải được thực hiện, ví dụ như sự suy giảm giá trị TSCĐ hoặc khấu hao TSCĐ dựa vào giá trị hợp lý của TSCĐ tại ngày mua.
* Khi tỷ lệ sở hữu của tập đoàn trong công ty liên doanh, liên kết giảm xuống, Nhà đầu tư phải tái phân loại các khoản trước đây được ghi nhận trong vốn chủ sở hữu vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo quy định của các Chuẩn mực kế toán có liên quan.
* Nhà đầu tư áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu phải sử dụng báo cáo tài chính của công ty liên doanh, liên kết được lập cùng ngày với báo cáo tài chính của nhà đầu tư.
Khi báo cáo tài chính hiện hành của công ty liên doanh, liên kết được lập khác ngày với báo cáo tài chính của nhà đầu tư, việc điều chỉnh phải được thực hiện cho các ảnh hưởng của các sự kiện và giao dịch trọng yếu giữa nhà đầu tư và công ty liên doanh, liên kết phát sinh giữa ngày lập báo cáo tài chính của nhà đầu tư và ngày lập báo cáo tài chính của công ty liên doanh, liên kết.
Trong mọi trường hợp, sự khác biệt về ngày lập Báo cáo tài chính giữa nhà đầu tư và công ty liên doanh, liên kết không được quá 3 tháng và độ dài của kỳ kế toán của các Báo cáo tài chính phải như nhau.
* Báo cáo tài chính của nhà đầu tư và công ty liên doanh, liên kết phải áp dụng các chính sách kế toán thống nhất cho các giao dịch và sự kiện giống nhau phát sinh trong các trường hợp tương tự. Trường hợp công ty liên doanh, liên kết áp dụng chính sách kế toán khác với nhà đầu tư cho các giao dịch và sự kiện giống nhau phát sinh trong các trường hợp tương tự, khi sử dụng báo cáo tài chính của công ty liên doanh, liên kết, nhà đầu tư phải thực hiện các điều chỉnh thích hợp để kế toán theo phương pháp vốn chủ sở hữu.
* Nếu công ty liên doanh, liên kết có cổ phiếu ưu đãi cổ tức lũy kế đang lưu hành được nắm giữ bởi các cổ đông bên ngoài và được phân loại là vốn chủ sở hữu thì nhà đầu tư phải tính toán phần sở hữu của mình trong lãi hoặc lỗ từ công ty liên kết sau khi điều chỉnh cổ tức ưu đãi, kể cả khi việc trả cổ tức chưa được thông báo.
* Khi phần sở hữu của nhà đầu tư trong khoản lỗ của công ty liên kết bằng hoặc vượt quá giá trị ghi sổ của khoản đầu tư, nhà đầu tư không phải tiếp tục phản ánh các khoản lỗ phát sinh sau đó.
Sau khi phần sở hữu của nhà đầu tư trong vốn chủ của công ty liên doanh, liên kết giảm xuống bằng không, nhà đầu tư chỉ phải ghi nhận thêm khoản lỗ hoặc nợ phải trả nếu nhà đầu tư có nghĩa vụ pháp lý theo hợp đồng hoặc thực hiện thanh toán thay cho công ty liên doanh, liên kết các khoản nợ mà nhà đầu tư đã đảm bảo hoặc cam kết trả.
Nếu sau đó công ty liên doanh, liên kết hoạt động có lãi, nhà đầu tư chỉ được ghi nhận phần sở hữu của mình trong khoản lãi đó sau khi đã bù đắp được phần lỗ thuần chưa được hạch toán trước đây.
* Sau khi áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu, bao gồm cả việc ghi nhận khoản lỗ trong công ty liên doanh, liên kết, nhà đầu tư phải áp dụng các quy định của Chuẩn mực kế toán về công cụ tài chính để xác định xem có cần phải ghi nhận thêm khoản lỗ do giảm giá trị khoản đầu tư thuần của nhà đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết hay không.
Việc xác định giá trị khoản đầu tư thuần vào công ty liên doanh, liên kết bị suy giảm được thực hiện theo quy định của Chuẩn mực kế toán “Tổn thất tài sản”.
Nhà đầu tư dừng áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu kể từ thời điểm nào?
Theo khoản 1 Điều 63 Thông tư 202/2014/TT-BTC quy định về việc dừng áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu như sau:
- Nhà đầu tư dừng áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu kể từ thời điểm bên được đầu tư không còn là công ty liên doanh, liên kết, cụ thể:
(1) Nếu công ty liên doanh, liên kết trở thành công ty con, nhà đầu tư kế toán khoản đầu tư theo quy định của Chuẩn mực kế toán “Hợp nhất kinh doanh”; Chuẩn mực kế toán “Báo cáo tài chính hợp nhất”, Chuẩn mực kế toán “Báo cáo tài chính riêng” và các chuẩn mực kế toán khác có liên quan
(2) Nếu khoản đầu tư còn lại trong công ty liên doanh, liên kết trở thành tài sản tài chính thông thường, khoản đầu tư được ghi nhận theo giá trị hợp lý và được coi là giá trị hợp lý (giá gốc) tại thời điểm ghi nhận ban đầu. Nhà đầu tư phải ghi nhận vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh phần chênh lệch của:
+ Giá trị hợp lý của khoản đầu tư còn lại cộng với khoản thu từ bán phần vốn tại công ty liên doanh, liên kết; và
+ Giá trị ghi sổ của khoản đầu tư tại thời điểm dừng áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu.
- Khi dừng áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp phải tái phân loại toàn bộ các khoản đã được ghi nhận trước đây trong Báo cáo các khoản thu nhập được ghi nhận trực tiếp vào vốn chủ sở hữu theo cách thức tương tự như khi bên được đầu tư trực tiếp thanh lý các tài sản và nợ phải trả liên quan, ví dụ: Nếu công ty liên doanh, liên kết có khoản chênh lệch tỷ giá lũy kế liên quan đến hoạt động ở nước ngoài và doanh nghiệp dừng áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp phải tái phân loại khoản lãi, lỗ liên quan đến hoạt động ở nước ngoài đó trước đây đã ghi nhận trong Báo cáo các khoản thu nhập được ghi nhận trực tiếp vào vốn chủ sở hữu sang Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trong thi hành lệnh thiết quân luật, có sử dụng Dân quân tự vệ? Bãi bỏ lệnh thiết quân luật theo đề nghị của ai?
- Tại thời điểm đóng thầu có ít hơn 03 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án thì người có thẩm quyền tiến hành xử lý như thế nào?
- Dự thảo Nghị quyết chi bộ tháng 12 2024? Mẫu dự thảo nghị quyết sinh hoạt chi bộ tháng 12 năm 2024?
- Khi nào được sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân? Sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân phải tuân thủ nguyên tắc gì?
- Bộ đội địa phương là lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân? Chỉ huy cao nhất trong Quân đội nhân dân?