Báo chí có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tất cả các thông tin không? Vấn đề cải chính trên báo chí được quy định như thế nào?
Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí?
Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí?
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 3 Luật Báo chí 2016 quy định báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử.
Hoạt động báo chí là hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí, sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí; cung cấp thông tin và phản hồi thông tin cho báo chí; cải chính thông tin trên báo chí; xuất bản, in, phát hành báo in; truyền dẫn báo điện tử và truyền dẫn, phát sóng báo nói, báo hình.
Về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí được quy định tại Điều 4 Luật Báo chí 2016, cụ thể:
- Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân.
- Báo chí có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
+ Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân;
+ Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, Mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;
+ Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân;
+ Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội;
+ Góp phần giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt, tiếng của các dân tộc thiểu số Việt Nam;
+ Mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững.
Báo chí có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tất cả các thông tin không?
Căn cứ Điều 38 Luật Báo chí 2016 quy định về cung cấp thông tin cho báo chí như sau:
- Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp sau đây:
+ Thông tin thuộc danh Mục bí mật nhà nước, bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật;
+ Thông tin về vụ án đang được Điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan Điều tra cần thông tin trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động Điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm;
+ Thông tin về vụ việc đang trong quá trình thanh tra chưa có kết luận thanh tra; vụ việc đang trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; những vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cơ quan nhà nước đang trong quá trình giải quyết, chưa có kết luận chính thức của người có thẩm quyền mà theo quy định của pháp luật chưa được phép công bố;
+ Những văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép công bố.
- Đối với vụ án đang trong quá trình Điều tra, truy tố mà chưa được xét xử, các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.
- Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin, trừ trường hợp có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc Điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin; các cơ quan bảo vệ pháp luật có trách nhiệm phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên bảo vệ người cung cấp thông tin.
- Cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm cử người phát ngôn, thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ và đột xuất, bất thường.
Chính phủ quy định chi Tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước.
Theo đó, về nghĩa vụ của doanh nghiệp thì doanh nghiệp chỉ có cung cấp các thông tin trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình và được quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí với các thông tin thuộc trường hợp được phép từ chối.
Theo như các quy định trên thì báo chí có quyền được yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin cho báo chí, tuy nhiên với các thông tin thuộc trường hợp được phép từ chối thì doanh nghiệp có quyền được từ chối cung cấp thông tin.
Cải chính trên báo chí?
Căn cứ theo Điều 42 Luật Báo chí 2016, quy định về cải chính trên báo chí như sau:
- Cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát lời cải chính, xin lỗi trên báo chí và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.
Đối với báo chí điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát nhưng phải lưu giữ nội dung thông tin trên máy chủ để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 52 của Luật này.
- Khi có văn bản kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vụ việc mà báo chí đã đăng, phát là sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì cơ quan báo chí phải đăng, phát phần nội dung kết luận đó và nội dung cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả tác phẩm báo chí.
Lời xin lỗi của cơ quan báo chí, tác giả tác phẩm báo chí được đăng, phát liền sau nội dung thông tin cải chính.
- Việc đăng, phát thông tin cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả tác phẩm phải thực hiện theo quy định sau đây:
+ Đăng, phát tại trang hai đối với báo in, trang cuối đối với tạp chí in, chuyên Mục riêng tại trang chủ đối với báo điện tử với cùng một kiểu chữ, cỡ chữ mà báo chí đã đăng, phát thông tin;
+ Đăng, phát đúng chuyên Mục, giờ phát sóng, số lần phát sóng đối với báo nói, báo hình mà báo chí đã đăng, phát thông tin.
- Khi đăng, phát thông tin cải chính, xin lỗi, cơ quan báo chí phải thể hiện đầy đủ các nội dung sau đây:
+ Tiêu đề: “Thông tin cải chính, xin lỗi”;
+ Tên tác phẩm báo chí, tên chuyên Mục, số báo, ngày, tháng, năm đã đăng, phát phải cải chính;
+ Những thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân đã đăng, phát trong tác phẩm báo chí và nội dung thông tin được cải chính.
- Thời Điểm đăng, phát cải chính, xin lỗi được quy định như sau:
+ Việc đăng, phát cải chính, xin lỗi của báo điện tử được thực hiện ngay khi nhận được văn bản kết luận hoặc tự phát hiện vi phạm; thông tin cải chính, xin lỗi phải được lưu giữ trên báo ít nhất là 07 ngày kể từ ngày đăng, phát cải chính, xin lỗi;
+ Việc đăng, phát cải chính, xin lỗi trên báo in, báo nói, báo hình phải được thực hiện trong thời hạn 02 ngày đối với báo ngày, báo nói, báo hình; trong số ra gần nhất đối với báo tuần, tạp chí, tính từ ngày cơ quan báo chí nhận được văn bản kết luận hoặc tự phát hiện vi phạm. Đối với tạp chí xuất bản trên 30 ngày một kỳ thì phải có văn bản trả lời ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân và phải đăng trong số ra gần nhất;
+ Cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp đã đăng, phát thông tin của cơ quan báo chí khác có nội dung phải cải chính, xin lỗi cũng phải thực hiện đăng lại nội dung cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí vi phạm.
Cơ quan báo chí đã đăng, phát nội dung thông tin vi phạm, sau khi thực hiện cải chính, xin lỗi phải có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan báo chí và trang thông tin điện tử tổng hợp có thỏa thuận về việc sử dụng tin, bài của báo mình để thực hiện việc đăng lại lời cải chính, xin lỗi.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán khi biểu quyết về quyết định giải quyết vụ án hành chính đúng không?
- Bậc thuế môn bài năm 2025 mới nhất như thế nào? Hạn chót nộp thuế môn bài năm 2025 là khi nào?
- Cán bộ, công chức, viên chức không áp dụng Nghị định 178/2024 chính sách khi sắp xếp bộ máy từ 1 1 2025 gồm những ai?
- Chính thức dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo Thông tư 29/2024 đúng không?
- Hướng dẫn hồ sơ hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu theo Thông tư 80? Tải về tài liệu hồ sơ hoàn thuế?