Bảo vệ môi trường nước dưới đất và bảo vệ môi trường nước biển như thế nào theo quy định mới nhất?
Bảo vệ môi trường nước dưới đất như thế nào?
Bảo vệ môi trường nước dưới đất theo Điều 10 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định như sau:
- Các nguồn nước dưới đất phải được quan trắc, đánh giá để có biện pháp ứng phó kịp thời khi phát hiện có thông số môi trường vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia hoặc có sự suy giảm mực nước theo quy định.
- Hoạt động khoan thăm dò, khai thác nước dưới đất phải có biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường nước dưới đất.
- Cơ sở có sử dụng hóa chất độc hại, chất phóng xạ phải có biện pháp bảo đảm không rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại, chất phóng xạ vào nguồn nước dưới đất.
- Cơ sở, kho, bãi chứa, lưu giữ nguyên liệu, nhiên liệu, hóa chất, khu vực lưu giữ, xử lý chất thải phải được xây dựng bảo đảm an toàn kỹ thuật, không gây ô nhiễm môi trường nước dưới đất.
- Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân gây ô nhiễm môi trường nước dưới đất có trách nhiệm xử lý ô nhiễm.
- Việc bảo vệ môi trường nước dưới đất phải tuân thủ quy định của Luật này, pháp luật về tài nguyên nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết việc bảo vệ môi trường nước dưới đất.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bảo vệ môi trường nước dưới đất trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Bảo vệ môi trường nước (Hình từ Internet)
Bảo vệ nước dưới đất trong thiết kế, thi công lỗ khoan, giếng khoan phải đảm bảo các yêu cầu chung nào?
Yêu cầu chung về bảo vệ nước dưới đất trong thiết kế, thi công lỗ khoan, giếng khoan theo Điều 4 Thông tư 75/2017/TT-BTNMT quy định cụ thể:
Tổ chức, cá nhân thiết kế, thi công lỗ khoan, giếng khoan (sau đây gọi chung là giếng khoan) trong hoạt động thăm dò, khai thác nước dưới đất, khoan khảo sát địa chất công trình, thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, tháo khô mỏ và các hoạt động khoan, đào khác có liên quan đến nước dưới đất phải thực hiện các yêu cầu về bảo vệ nước dưới đất sau:
- Thực hiện các quy định tại Thông tư 59/2015/TT-BTNMT ngày 14 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật khoan điều tra, đánh giá và thăm dò nước dưới đất.
- Chèn cách ly bằng đất sét tự nhiên hoặc vật liệu có tính chất thấm nước tương đương đất sét xung quanh thành giếng khoan và ống chống tạm thời.
Trong phạm vi bán kính tối thiểu 01m xung quanh miệng giếng khoan phải gia cố, tôn cao bằng đất sét tự nhiên hoặc các vật liệu chống thấm khác để ngăn ngừa nước bẩn từ trên mặt đất chảy trực tiếp vào giếng khoan hoặc thấm qua thành, vách giếng khoan vào tầng chứa nước.
- Không dùng nước thải, nước bẩn, nước có chứa dầu mỡ, hóa chất độc hại làm dung dịch khoan hoặc pha trộn dung dịch khoan để đưa vào giếng khoan; không để rò rỉ nhiên liệu, dầu mỡ ra môi trường xung quanh khu vực giếng khoan.
- Bảo đảm ổn định của môi trường đất xung quanh khu vực giếng khoan trong quá trình khoan và khi thực hiện các công việc nghiên cứu, thí nghiệm trong giếng khoan hoặc trong quá trình sử dụng giếng khoan.
- Đối với giếng khoan có thời gian dự kiến hoạt động từ hai (02) năm trở lên thì phải thực hiện việc chống ống và trám cách ly, bảo đảm ngăn nước từ trên mặt đất xâm nhập vào các tầng chứa nước hoặc nước của các tầng chứa nước có chất lượng khác nhau lưu thông qua thành giếng khoan.
- Trường hợp khi thi công hoặc trong quá trình sử dụng giếng khoan mà gây sự cố sụt, lún đất và các sự cố bất thường khác thì phải dừng ngay việc thi công, sử dụng, kịp thời xử lý, khắc phục sự cố, bồi thường thiệt hại (nếu có); thông báo kịp thời tới Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã) và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Sở Tài nguyên và Môi trường) nơi xảy ra sự cố.
- Đối với các giếng khoan không sử dụng hoặc bị hỏng trong quá trình thi công, sử dụng thì phải xử lý, trám lấp theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.
Bảo vệ môi trường nước biển như thế nào?
Bảo vệ môi trường nước biển theo Điều 11 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định cụ thể:
- Các nguồn thải vào môi trường nước biển phải được điều tra, đánh giá và có biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu, kiểm soát chặt chẽ, xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
- Vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo phải được đánh giá, xác định và công bố theo quy định của pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
- Hoạt động khai thác nguồn lợi từ biển và hải đảo, hoạt động kinh tế - xã hội khác phải phù hợp với quy hoạch và đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
- Bảo vệ môi trường nước biển phải bảo đảm phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; phối hợp giữa cơ quan nhà nước Việt Nam và cơ quan, tổ chức nước ngoài trong việc chia sẻ thông tin, đánh giá chất lượng môi trường nước biển và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển xuyên biên giới.
- Việc bảo vệ môi trường nước biển phải tuân thủ quy định của Luật này, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, quy định khác của pháp luật có liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bản tự đánh giá xếp loại hạnh kiểm của học sinh cuối kì 1 năm học 2024 2025? Viết bản tự xếp loại hạnh kiểm học sinh cuối kì 1?
- Quyền hưởng dụng là gì? Có được cho thuê quyền hưởng dụng không? Có được hưởng giá trị hoa lợi, lợi tức khi quyền hưởng dụng chấm dứt không?
- Mẫu biên bản thỏa thuận bảo đảm an toàn cho hộ liền kề khi xây dựng nhà ở mới nhất là mẫu nào? Tải về?
- Kế hoạch bảo trì công trình xây dựng là gì? Mẫu kế hoạch bảo trì công trình xây dựng hằng năm mới nhất?
- Tiền trợ cấp nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 178 có đóng thuế TNCN không? Chính sách nghỉ hưu trước tuổi năm 2025 theo Nghị định 178?