Bất kỳ ai cũng được bắt người phạm tội quả tang có đúng không? Những việc cần làm ngay sau khi bắt người phạm tội quả tang là gì?
Bắt người phạm tội quả tang được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 109 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, bắt người phạm tội quả tang được xác định là một trong những biện pháp ngăn chặn được áp dụng để kịp thời ngăn chặn tội phạm.
Các biện pháp ngăn chặn
1. Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.
2. Các trường hợp bắt người gồm bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ.
Bên cạnh đó, Điều 111 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định chi tiết về việc bắt người phạm tội quả tang, cụ thể bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất đối với:
- Người đang thực hiện tội phạm;
- Ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện;
- Bị đuổi bắt.
Bất kỳ ai cũng được bắt người phạm tội quả tang có đúng không? (Hình từ Internet)
Bất kỳ ai cũng được bắt người phạm tội quả tang có đúng không?
Theo quy định tại Điều 111 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt người phạm tội quả tang và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất.
Bắt người phạm tội quả tang
1. Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
2. Khi bắt người phạm tội quả tang thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.
3. Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, khi thực hiện việc bắt người phạm tội quả tang thì bất kỳ ai cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt để đảm bảo an toàn cho những người xung quanh cũng như để kịp thời đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Những việc cần làm ngay sau khi bắt người phạm tội quả tang là gì?
Sau khi người phạm tội quả tang được giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất thì các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 111 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Trong trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang thì theo quy định của khoản 3 Điều 111 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì các cơ quan này phải thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 114 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì sau khi bắt người, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt.
Việc bắt người phạm tội quả tang phải được người có thẩm quyền lập thành biên bản và phải thông báo ngay cho gia đình người bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người phạm tội quả tang cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập biết theo quy định của Điều 115 và Điều 116 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Lưu ý: Khi bắt người phạm tội quả tang, người bắt phải giải ngay người phạm tội đến cơ quan có thẩm quyền, không được đánh đập hoặc giam giữ người phạm tội.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 11 tháng 1 là ngày gì? Ngày 11 tháng 1 âm lịch bao nhiêu, thứ mấy? Ngày 11 tháng 1 cung gì? Có được nghỉ làm vào ngày này?
- HMPV là gì? HMPV có phải là căn nguyên virus gây viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn không?
- Lỗi sử dụng điện thoại khi đi xe máy 2025 phạt bao nhiêu tiền? Sử dụng điện thoại khi đi xe máy 2025 trừ bao nhiêu điểm?
- Toàn bộ chế độ nghỉ hưu trước tuổi năm 2025 có gì đáng chú ý? Tải Nghị định 178 nghỉ hưu trước tuổi khi sắp xếp bộ máy?
- Có được miễn trừ khai báo hóa chất đối với hóa chất là tiền chất ma túy, tiền chất thuốc nổ hay không?