Bị thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản nhưng cơ sở vẫn tiếp tục hoạt động có được không?
Cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản
Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản bị thu hồi trong trường hợp nào?
Theo Khoản 4 Điều 34 Luật Thủy sản 2017 quy định Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản bị thu hồi trong trường hợp sau đây:
- Bị tẩy, xóa, sửa chữa nội dung của giấy chứng nhận;
- Cơ sở không còn đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 32 của Luật này;
- Cơ sở có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải thu hồi giấy chứng nhận.
Trong đó, điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản được quy định tại Điều 32 Luật Thủy sản 2017 và Điều 27 Nghị định 26/2019/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Địa điểm sản xuất nằm trong khu vực không bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại, hóa chất độc hại;
+ Khu sản xuất có tường, rào ngăn cách với bên ngoài;
+ Yêu cầu về nhà xưởng, trang thiết bị như sau:
- Có nhà xưởng kết cấu vững chắc, nền không đọng nước, liên thông và một chiều từ nguyên liệu đến thành phẩm; tường, trần, vách ngăn, cửa bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học; khu chứa trang thiết bị, nguyên liệu vật liệu, thành phẩm bảo đảm không nhiễm chéo lẫn nhau và bảo đảm theo yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất, cung cấp;
- Trang thiết bị tiếp xúc với nguyên liệu, thành phẩm bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học; thiết bị thu gom và xử lý chất thải không gây ô nhiễm môi trường khu vực sản xuất. Trường hợp cơ sở sản xuất sinh khối vi sinh vật để sản xuất chế phẩm sinh học, vi sinh vật phải có thiết bị tạo môi trường, lưu giữ và nuôi cấy vi sinh vật.
+ Có điều kiện phân tích chất lượng trong quá trình sản xuất: Có phòng thử nghiệm hoặc có thuê phòng thử nghiệm đủ năng lực để kiểm tra chất lượng trong quá trình sản xuất.
+ Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học: Phải xây dựng và áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học cho từng loại sản phẩm gồm các nội dung: nước phục vụ sản xuất; nguyên liệu, bao bì, thành phẩm; quá trình sản xuất; tái chế; lưu mẫu; kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh thiết bị; kiểm soát động vật gây hại; vệ sinh nhà xưởng, thu gom và xử lý chất thải.
+ Có nhân viên kỹ thuật được đào tạo về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản, sinh học, hóa học hoặc công nghệ thực phẩm.
Thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản
Thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản được quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Thủy sản 2017 như sau:
- Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài;
- Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản trên địa bàn, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này.
Bị thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản nhưng cơ sở vẫn tiếp tục hoạt động có được không?
Tại Điều 14 Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định:
"1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cơ sở mua bán, nhập khẩu thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Nơi bày bán, bảo quản thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản không cách biệt với thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hóa chất độc hại;
b) Không có thiết bị, dụng cụ để bảo quản thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc chuyển mục đích sử dụng nếu sản phẩm đáp ứng quy định của mục đích chuyển đổi, trường hợp không thể chuyển đổi mục đích sử dụng thì buộc tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này."
Đối với trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản mà vẫn tiếp tục hoạt động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sản xuất thức ăn thủy sản không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bị phạt từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Đây chỉ là mức phạt đối với cá nhân còn với tổ chức thì mức phạt sẽ nhân đôi (khoản 2 Điều 5 Nghị định 42/2019/NĐ-CP). Đồng thời, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chuyển mục đích sử dụng nếu sản phẩm đáp ứng quy định của mục đích chuyển đổi, trường hợp không thể chuyển đổi mục đích sử dụng thì buộc tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thành phần hồ sơ trong dịch vụ thông tin tín dụng là bản sao không có chứng thực thì công ty tín dụng có trách nhiệm gì?
- Soft OTP là gì? Soft OTP có mấy loại? Soft OTP phải đáp ứng yêu cầu gì theo Thông tư 50 2024?
- Bài phát biểu của Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh tại ngày kỷ niệm thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam hay, ý nghĩa?
- Mẫu biên bản họp tổng kết Chi bộ cuối năm mới nhất? Tải về mẫu biên bản họp tổng kết Chi bộ cuối năm ở đâu?
- Danh sách 5 bộ được đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động theo phương án tinh gọn bộ máy mới nhất?