Bộ máy nhà nước là gì? Nguyên tắc hoạt động bộ máy nhà nước? Hệ thống bộ máy nhà nước Việt Nam?
Bộ máy nhà nước là gì? Bộ máy nhà nước hoạt động theo nguyên tắc nào?
Trong khoa học pháp lý, nói đến bộ máy nhà nước tức là đề cập đến hệ thống các cơ quan nhà nước từ trung ương tới địa phương. Khi nghiên cứu khái quát về bộ máy của một nhà nước, thường xem xét hai khía cạnh:
Thứ nhất, những cơ quan nhà nước cấu thành bộ máy nhà nước.
Thứ hai, những nguyên tắc tổ chức, hoạt động chung và riêng của các cơ quan trong bộ máy nhà nước.
Do đó, có thể hiểu bộ máy nhà nước là tổng thể các cơ quan nhà nước từ Trung ương tới địa phương, được tổ chức, hoạt động theo những nguyên tắc thống nhất, tạo thành cơ chế đồng bộ nhằm thực hiện nhiệm vụ, chức năng của nhà nước.
Về các cơ quan nhà nước: Đây là các bộ phận cấu thành nên bộ máy nhà nước. Các cơ quan nhà nước được thành lập từ trung ương đến địa phương với những chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức cụ thể, cùng hợp thành hệ thống thống nhất, nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà nước. Mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử từng quốc gia, các cơ quan nhà nước có thể được tổ chức khác nhau và có tên gọi khác nhau.
Về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước: Các cơ quan trong bộ máy nhà nước sở dĩ được khẳng định là có tính hệ thống, thống nhất là bởi chúng được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc chung, dù cho chúng thực hiện chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Ngoài ra, mỗi cơ quan tuy thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình có thể được quy định những nguyên tắc tổ chức và hoạt động đặc thù.
Cũng giống như các cơ quan nhà nước, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của những cơ quan nhà nước trong bộ máy có thể được thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của xã hội.
Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo.
Bộ máy nhà nước là gì? Nguyên tắc hoạt động bộ máy nhà nước? Hệ thống bộ máy nhà nước Việt Nam? (Hình từ Internet)
Hệ thống bộ máy nhà nước Việt Nam theo Hiến pháp như thế nào?
Hệ thống bộ máy Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Hiến pháp 2013 gồm các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, cụ thể như sau:
(1) Quốc hội (Chương V Hiến pháp 2013):
- Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
- Nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là 05 năm.
(2) Chủ tịch nước (Chương VI Hiến pháp 2013):
- Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
- Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội.
- Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội.
- Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Chủ tịch nước.
(3) Chính phủ (Chương VII Hiến pháp 2013):
- Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.
- Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
- Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
- Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số.
- Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới thành lập Chính phủ.
(4) Toà án nhân dân (Chương VIII Hiến pháp 2013):
- Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.
- Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác do luật định.
- Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
(4) Viện kiểm sát nhân dân (Chương VIII Hiến pháp 2013):
- Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.
- Viện kiểm sát nhân dân gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát khác do luật định.
- Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
(6) Chính quyền địa phương (Chương IX Hiến pháp 2013):
- Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định.
>> Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau:
- Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Tỉnh chia thành huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh; thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương;
- Huyện chia thành xã, thị trấn; thị xã và thành phố thuộc tỉnh chia thành phường và xã; quận chia thành phường.
- Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.
Quốc hội bầu các chức danh nào trong bộ máy nhà nước Việt Nam?
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 thì Quốc hội bầu các chức danh chức danh trong bộ máy nhà nước sau đây:
(1) Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội trong số các đại biểu Quốc hội theo danh sách đề cử chức vụ từng người của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa trước.
(2) Quốc hội bầu Chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Quốc hội bầu Phó Chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước.
(3) Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
(4) Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước.
(5) Quốc hội bầu Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo đề nghị của Chủ tịch nước.
(6) Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, Tổng thư ký Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
>> Ngoài những người do cơ quan hoặc người có thẩm quyền nêu trên đề nghị, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định danh sách những người ứng cử để bầu vào chức danh quy định tại Điều này trong trường hợp đại biểu Quốc hội ứng cử hoặc giới thiệu thêm người ứng cử.
Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp 2013.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?