Bom mìn vật nổ là gì? Đảm bảo an toàn về con người khi rà phá bom mìn vật nổ như thế nào? Chuẩn bị mặt bằng trước khi rà phá ra sao?
Bom mìn vật nổ là gì?
Căn cứ theo tiểu mục 1.4 Mục 1 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2022/BQP về rà phá bom mìn vật nổ như sau:
Bom mìn vật nổ (sau đây viết tắt là BMVN)
Bom mìn vật nổ là tên gọi chung cho các loại bom, mìn, lựu đạn, quả nổ, ngư lôi, thủy lôi, vật liệu nổ, đầu đạn tên lửa, đạn pháo và đầu đạn pháo, các loại đạn, ngòi nổ, thuốc nổ, phương tiện gây nổ.
Như vậy, chiếu theo quy định trên thì Bom mìn vật nổ là tên gọi chung cho các loại bom, mìn, lựu đạn, quả nổ, ngư lôi, thủy lôi, vật liệu nổ, đầu đạn tên lửa, đạn pháo và đầu đạn pháo, các loại đạn, ngòi nổ, thuốc nổ, phương tiện gây nổ.
Bên cạnh đó, bom mìn vật nổ cũng sẽ được phân loại để khắc phục hậu quả sau chiến tranh theo Điều 3 Thông tư 195/2019/TT-BQP như sau:
Dự án, hạng mục, nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh được phân loại như sau:
1. Nhóm I
a) Dự án, hạng mục, nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh đặc biệt;
b) Dự án, hạng mục, nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ tại khu vực có tổng diện tích cần phải điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn vật nổ trên 500ha;
c) Dự án, hạng mục, nhiệm vụ điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn vật nổ dưới biển nơi có độ sâu nước lớn hơn 30m.
2. Nhóm II
a) Dự án, hạng mục, nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ tại khu vực có tổng diện tích cần phải điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn vật nổ từ 30ha đến 500ha;
b) Dự án, hạng mục, nhiệm vụ điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn vật nổ dưới biển nơi có độ sâu nước đến 30m.
3. Nhóm III
Các dự án, hạng mục, nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ không quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.
Bom mìn vật nổ là gì? Đảm bảo an toàn về con người khi rà phá bom mìn vật nổ như thế nào? Chuẩn bị mặt bằng trước khi rà phá ra sao? (Hình từ Internet)
Công tác đảm bảo an toàn về con người khi rà phá bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh sẽ như thế nào?
Căn cứ theo tiểu mục 3.1 Mục 1 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2022/BQP về rà phá bom mìn vật nổ như sau:
Về Yêu cầu chung
- Mọi hạng mục công việc trong hoạt động ĐT, KS, RPBM đều phải triệt để tuân thủ các quy định, quy tắc an toàn được ban hành bởi cơ quan có thẩm quyền trên cơ sở phương án kỹ thuật thi công và kế hoạch thi công đã được duyệt; các bước triển khai phải được tổ chức chặt chẽ, chỉ huy thống nhất theo đúng trình tự, đúng quy trình. Trong quá trình tổ chức thi công, nghiêm cấm tự động thay đổi quy trình kỹ thuật. Khi cần phải thay đổi một số bước trong quy trình đã được duyệt thì phải được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền bằng văn bản.
- Khi chưa có đầy đủ các hồ sơ (tài liệu) phương án kỹ thuật thi công được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì không được phép thi công.
- Trong quá trình thi công phải thực hiện đúng theo phương án kỹ thuật thi công. Tuyệt đối không làm ẩu, làm tắt các bước trong quá trình ĐT, KS, RPBM đã được thông qua.
- Sau mỗi đợt mưa bão, gió lớn hoặc sau khi ngừng thi công nhiều ngày liền phải kiểm tra lại các điều kiện an toàn trước khi thi công tiếp, nhất là những nơi nguy hiểm có khả năng xảy ra tai nạn.
- Phải cung cấp đầy đủ nước uống bảo đảm yêu cầu vệ sinh và các nhu yếu phẩm cần thiết khác cho những người làm việc trên công trường.
- Trong quá trình thi công, chỉ huy công trường phải chỉ đạo thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện lao động cho cán bộ, công nhân viên, giảm nhẹ các khâu lao động thủ công nặng nhọc; ngăn ngừa, hạn chế các yếu tố độc hại ảnh hưởng xấu đến sức khỏe hoặc gây ra các bệnh nghề nghiệp.
- Không lâm nhiệm vụ KS, RPBM trong điều kiện thời tiết mưa, bão, sấm sét, trời tối và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về an toàn lao động. Các trường hợp cần thi công trong điều kiện trên phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Về An toàn cho người
- Chỉ huy các tổ chức thi công RPBM, chỉ huy công trường, đội trưởng, nhân viên phụ trách về an toàn phải được quán triệt, thực hiện đầy đủ các nguyên tắc, quy tắc, quy định về công tác an toàn.
- Đội trưởng, tổ trưởng thi công, nhân viên phụ trách an toàn lao động phải thực hiện việc đánh giá an toàn khu vực thi công và báo cáo với chỉ huy hiện trường hoặc giám sát viên; phải kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện đúng trách nhiệm và đầy đủ các quy định hiện hành về an toàn, vệ sinh lao động.
- Nhân viên chuyên môn kỹ thuật RPBM phải đáp ứng đầy đủ các quy định về sức khỏe, phải được huấn luyện và có chứng chỉ (thẻ) vệ sinh an toàn lao động, được trang bị các trang thiết bị bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc. Việc huấn luyện, cấp thẻ vệ sinh, an toàn lao động cho các đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-BQP.
- Nhân viên kỹ thuật xử lý BMVN dưới nước phải thành thạo bơi lặn có chứng chỉ đào tạo thợ lặn, được bảo đảm đầy đủ các quy định về chế độ làm việc, bồi dưỡng và bảo vệ sức khỏe.
- Chỉ nhân viên chuyên môn kỹ thuật biết bơi mới được làm việc trên sông nước và phải được trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ an toàn cá nhân và các dụng cụ cấp cứu cần thiết khác theo đúng quy định.
- Nhân viên chuyên môn kỹ thuật làm việc ở nơi có độ cao, độ dốc nguy hiểm phải có đầy đủ các trang thiết bị bảo đảm an toàn.
- Nhân viên chuyên môn kỹ thuật làm việc trên công trường phải sử dụng đúng chức năng các trang thiết bị bảo vệ cá nhân được cấp.
- Nhân viên làm việc trong những điều kiện chịu ảnh hưởng của các yếu tố độc hại vượt quá tiêu chuẩn cho phép phải được bồi dưỡng tại chỗ bằng hiện vật theo đúng chế độ hiện hành.
- Người làm nhiệm vụ RPBM không được mang trên người các vật nhiễm từ như điện thoại, đồng hồ, chìa khóa...
- Cấm hút thuốc hoặc mang các đồ dùng có nguy cơ gây cháy nổ (diêm, bật lửa, điện thoại di động), uống các đồ uống có chất kích thích như rượu, bia, chất có cồn trong khi đang làm nhiệm vụ.
- Người làm nhiệm vụ dò tìm chỉ đi lại trong khu vực đã được phân công, không tùy tiện đi lại tự do trong khu vực thi công.
- Tổ chức/đơn vị thi công ĐT, KS, RPBM phải chuẩn bị đầy đủ trang bị, thuốc men, con người, phương tiện sẵn sàng cho công tác cấp cứu khi sự cố xảy ra.
Như vậy, chiếu theo quy định trên thì công tác đảm bảo an toàn về con người khi rà phá bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh sẽ phải đảm bảo về yêu cầu chung và yêu cầu riêng đối với người trong hoạt động về rà phá bom mìn sau chiến tranh.
Chuẩn bị mặt bằng trước khi rà phá bom mìn vật nổ phải đảm bảo như thế nào?
Căn cứ theo tiểu mục 3.4 Mục 1 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2022/BQP về rà phá bom mìn vật nổ như sau:
- Xung quanh khu vực thi công RPBM phải có biển báo và bố trí các trạm cảnh giới không cho người, súc vật, phương tiện không có nhiệm vụ vào công trường.
- Lán trại và các công trình phụ trợ trong khu vực thi công RPBM phải được bố trí, sắp xếp phù hợp, khoa học.
- Tàu thuyền làm nhiệm vụ dò tìm chỉ được đi lại trong khu vực dò theo đúng các vị trí đã được phân công.
- Khi RPBM trên sông, luồng lạch phải thông báo kế hoạch thi công và hợp đồng với Cảng vụ/Cảnh sát giao thông đường thủy để điều tiết tàu thuyền.
Như vậy, trước khi rà phá bom mìn vật nổ phải đảm bảo được mặt bằng tuân thủ theo quy chuẩn của pháp luật để đảm bảo an toàn.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chủ đầu tư xây dựng có phải là người sở hữu vốn, vay vốn không? Trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc của chủ đầu tư?
- Mẫu Báo cáo tổng kết cuối năm của công ty mới nhất? Tải về Mẫu Báo cáo tổng kết cuối năm ở đâu?
- Tải về mẫu bảng chi tiêu gia đình hàng tháng? Thu nhập một tháng bao nhiêu được coi là gia đình thuộc hộ nghèo?
- Thông tư 12 2024 sửa đổi Thông tư 02 2022 quy định đến ngành đào tạo trình độ đại học thạc sĩ tiến sĩ?
- Khi xảy ra sự kiện gì công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường? Nội dung công bố thông tin định kỳ là gì?