Buôn lậu thuốc lá là gì? Buôn lậu thuốc lá có bị đi tù không? Buôn lậu thuốc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội gì?
Buôn lậu thuốc lá là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 có giải thích: Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác.
Theo đó, có thể hiểu "buôn lậu thuốc lá" là hoạt động nhập khẩu, vận chuyển và bán thuốc lá trái phép, không qua kiểm soát của cơ quan chức năng và không nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Thuốc lá nhập lậu thường không có đủ giấy tờ, chứng từ, hoặc giấy phép và không tuân theo các quy định an toàn và chất lượng. Do đó có thể gây nhiều rủi ro cho sức khỏe.
Lưu ý: Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo
Buôn lậu thuốc lá là gì? Buôn lậu thuốc lá có bị đi tù không? Buôn lậu thuốc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội gì? (hình từ internet)
Buôn lậu thuốc lá có bị đi tù không? Buôn lậu thuốc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội gì theo quy định?
Theo Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm a, điểm b khoản 38 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội buôn lậu như sau:
Khung 1: Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.
Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
- Có tổ chức;
- Có tính chất chuyên nghiệp;
- Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Tái phạm nguy hiểm.
Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
- Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
- Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
Khung 4: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
- Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
- Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
- Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.
Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, khi có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm người có hành vi buôn lậu thuốc lá có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu với mức nhẹ là bị phạt tiền và cao nhất là phạt tù lên đến 20 năm.
Lưu ý: Đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì bị phạt theo quy định tại khoản 6 Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm b khoản 38 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.
Người buôn lậu 100 bao thuốc lá điếu bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo khoản 3 Điều 8 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm
...
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng có số lượng từ 5 kilôgam đến dưới 10 kilôgam hoặc từ 5 lít đến dưới 10 lít;
b) Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 50 bao đến dưới 100 bao;
c) Buôn bán pháo nổ từ 0,5 kilôgam đến dưới 1 kilôgam;
d) Buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 1.500.000 đồng đến dưới 2.500.000 đồng.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng có số lượng từ 10 kilôgam đến dưới 15 kilôgam hoặc từ 10 lít đến dưới 15 lít;
b) Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 100 bao đến dưới 300 bao;
c) Buôn bán pháo nổ từ 1 kilôgam đến dưới 2 kilôgam;
d) Buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 2.500.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.
...
Như vậy, nếu có hành vi buôn lậu thuốc lá điếu có số lượng từ 100 bao đến dưới 300 bao mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Lưu ý: Mức phạt tiền trên áp dụng đối với cá nhân nếu tổ chức có hành vi vi phạm như trên thì mức phạt tiền gấp 2 lần cá nhân (khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mã QR là gì? Mức phạt hành chính tội đánh tráo mã QR để chiếm đoạt tiền của người khác là bao nhiêu?
- Cán bộ công chức có phải thực hiện kê khai tài sản, tài khoản ở nước ngoài của vợ/chồng hay không?
- Được ủy quyền lại hợp đồng ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai hay không theo quy định pháp luật?
- Nguyên tắc tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo Thông tư 74/2024 thế nào?
- Cơ sở dữ liệu về các loại tài sản công do cơ quan nào xây dựng? Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công bao gồm cơ sở dữ liệu nào?