C08 Bộ Công an có phải Cục Cảnh sát giao thông không? Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông có thẩm quyền xử phạt như thế nào theo Nghị định 100?
C08 Bộ Công an có phải Cục Cảnh sát giao thông không?
Theo Điều 17 Luật Công an nhân dân 2018 có quy định:
Hệ thống tổ chức của Công an nhân dân
1. Hệ thống tổ chức của Công an nhân dân bao gồm:
a) Bộ Công an;
b) Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
c) Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương;
d) Công an xã, phường, thị trấn.
2. Chính phủ quy định cụ thể việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy.
3. Để đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập đồn, trạm Công an và đơn vị độc lập bố trí tại những địa bàn cần thiết.
Theo đó, hệ thống tổ chức của Công an nhân dân được quy định như trên.
Và C08 Bộ Công an - Cục Cảnh sát giao thông là một cơ quan thuộc Bộ Công an Việt Nam có trách nhiệm:
- Giúp Bộ trưởng Bộ Công an tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về bảo vệ trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa;
- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa;
- Tổ chức thực hiện và thống nhất quản lý, chỉ huy, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện các chủ trương, kế hoạch, biện pháp bảo vệ trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa;
- Phối hợp với các lực lượng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và vi phạm trật tự, an toàn xã hội trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật và của Bộ trưởng Bộ Công an.
Nguồn: https://www.csgt.vn/tintuc/3464/CUC-CANH-SAT-GIAO-THONG.html
C08 Bộ Công an - Cục Cảnh sát giao thông (Hình từ Internet)
Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt như thế nào?
Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được quy định tại khoản 6 Điều 76 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 28 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP như sau:
Thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân
...
6. Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Tư lệnh Cảnh sát cơ động có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 75.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, điểm c, điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 4 Nghị định này.
Và khoản 2 Điều 78 Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:
Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả
1. Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thực hiện theo quy định tại Điều 52 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
2. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những chức danh được quy định tại các Điều 75, 76 và 77 của Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân tương ứng với từng lĩnh vực.
3. Đối với những hành vi vi phạm có quy định áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn thì trong các chức danh quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 75; khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 76; khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 6 Điều 77 của Nghị định này, chức danh nào có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đó cũng có quyền xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề đối với người vi phạm.
Theo đó, cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt tối đa 75.000.000 đồng đối với cá nhân, 150.000.000 đồng với tổ chức và thẩm quyền khác được quy định như trên.
Lưu ý: Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ có thẩm quyền xử phạt với mức xử phạt nêu trên đối với các hành vi vi phạm được quy định tại khoản 2 Điều 74 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP.
Tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của Cục Cảnh sát giao thông?
Tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của Cục Cảnh sát giao thông được quy định tại Điều 5 Thông tư 32/2023/TT-BCA như sau:
- Cục Cảnh sát giao thông chỉ đạo Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt bố trí lực lượng, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường cao tốc đi qua địa giới hành chính từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
- Trường hợp cần thiết, tổ chức lực lượng trực tiếp thực hiện hoặc chủ trì, phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương, các lực lượng liên quan thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi toàn quốc theo kế hoạch của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông trở lên ban hành.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bài tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh sinh viên Việt Nam 9 1 2025? Bài tuyên truyền ngày học sinh sinh viên?
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?