Cá nhân đầu tư kinh doanh ngoại hối trên sàn Forex có hợp pháp hay không? Các tổ chức nào được phép kinh doanh ngoại hối ở Việt Nam?
Các tổ chức nào được phép kinh doanh ngoại hối ở Việt Nam?
Theo quy định tại Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối 2005 (sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh ngoại hối 2013) giải thích về kinh doanh ngoại hối như sau:
"Điều 4. Giải thích từ ngữ
11. Tổ chức tín dụng được phép là các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định tại Pháp lệnh này.
...
20. Kinh doanh ngoại hối là hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng được phép nhằm mục tiêu lợi nhuận, phòng ngừa rủi ro và bảo đảm an toàn, thanh khoản cho hoạt động của chính tổ chức tín dụng đó.”
Ngoài ra tại Điều 2 Thông tư 02/2021/TT-NHNN giải thích tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối như sau:
"Điều 2. Giải thích từ ngữ
Tại Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối là các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối (sau đây gọi là tổ chức tín dụng được phép).
..."
Từ các quy định trên có thể thấy việc kinh doanh ngoại hối chỉ được thực hiện bởi các tổ chức tín dụng được nhà nước cho phép hoạt động kinh doanh ngoại hối, các tổ chức tín dụng bao gồm các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối.
Cá nhân đầu tư kinh doanh ngoại hối trên sàn Forex có hợp pháp hay không?
Sàn Forex hay các sàn khác được gọi chung là thị trường ngoại hối là một thị trường phi tập trung toàn cầu cho việc trao đổi các loại tiền tệ. Những người tham gia chính trong thị trường này là các ngân hàng quốc tế lớn.
Để biết cá nhân có thể tham gia vào thị trường ngoại hối hay không ta có thể căn cứ vào Điều 2 Thông tư 20/2011/TT-NHNN quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành như sau:
"Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cá nhân là công dân Việt Nam được mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu của bản thân và trẻ em chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ, bao gồm tiền ăn, tiền tiêu vặt, tiền đi lại ở nước ngoài liên quan đến các mục đích sau:
a) Học tập, chữa bệnh ở nước ngoài;
b) Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài.
2. Đối với các mục đích hợp pháp khác quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Ngoại hối, cá nhân có thể mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép tùy theo khả năng cân đối nguồn ngoại tệ tiền mặt của tổ chức tín dụng.
3. Cá nhân là người nước ngoài có nguồn thu hợp pháp bằng đồng Việt Nam được mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép phù hợp với các quy định hiện hành về quản lý ngoại hối.
4. Cá nhân bán ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép và Đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép theo quy định hiện hành về quản lý ngoại hối"
Như vậy, có thể thấy đối với cá nhân chỉ được phép mua, bán ngoại hối đối với một số trường hợp như học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; đi công tác, dụ lịch, thăm viếng ở nước ngoài và một số mục đích hợp pháp khác được pháp luật quy định. Tuy nhiên việc cá nhân kinh doanh ngoại hối lại không được pháp luật quy định; việc kinh doanh ngoại hối ở Việt Nam chỉ được thực hiện bởi các tổ chức tín dụng được nhà nước cấp phép. Theo đó, mọi hành vi kinh doanh ngoại tệ của các cá nhân ngoài các mục đích nêu trên đều bị cấm và là hành vi vi phạm pháp luật.
Sàn Forex
Cá nhân tham gia vào sàn Forex thì có thể chịu mức xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối như sau:
Điều 23. Vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối
1. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);
b) Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đối ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);
...
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 1.000 đôla Mỹ đến dưới 10.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần;
b) Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đối ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 1.000 đôla Mỹ đến dưới 10.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đối ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần;
...
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây
...:
h) Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 10.000 đôla Mỹ đến dưới 100.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);
i) Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đối ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 10.000 đôla Mỹ đến dưới 100.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);
...
5. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
...
e) Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 đôla Mỹ trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);
g) Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đối ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 đôla Mỹ trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);
..."
Như vậy, tùy vào mức độ giao dịch mà hình thức xử phạt xử khác nhau, nhẹ nhất là hình thức phạt cảnh cáo và nặng nhất sẽ là phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng cho hành vi vi phạm đối với cá nhân, còn đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (Theo điểm b khoản 3 Điều 6 Nghị định này). Ngoài ra, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đó là tịch thu số ngoại tệ, đồng Việt Nam tại điểm a khoản 9 Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Dự thảo Nghị quyết chi bộ tháng 12 2024? Mẫu dự thảo nghị quyết sinh hoạt chi bộ tháng 12 năm 2024?
- Khi nào được sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân? Sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân phải tuân thủ nguyên tắc gì?
- Bộ đội địa phương là lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân? Chỉ huy cao nhất trong Quân đội nhân dân?
- Việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản từ 2025 như thế nào? Tài sản nào không được kê biên trong thi hành án dân sự?
- Concert ATSH đêm 3 và đêm 4 tổ chức tại sân Mỹ Đình được UBND Thành phố Hà Nội thống nhất theo Thông báo 4032?