Các quy định chung đối với việc thiết kế điều hòa không khí cho nhà ở được quy định như thế nào? Điều kiện tính toán liên quan đến các thông số của không khí trong phòng và ngoài trời cụ thể ra sao?
- Các quy định chung đối với việc thiết kế điều hòa không khí cho nhà ở được quy định như thế nào?
- Các điều kiện tính toán liên quan đến các thông số của không khí trong phòng được quy định như thế nào?
- Thông số tính toán của không khí ngoài trời cần đáp ứng các điều kiện tính toán liên quan đến điều hòa không khí nào?
Các quy định chung đối với việc thiết kế điều hòa không khí cho nhà ở được quy định như thế nào?
Căn cứ Mục 3 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5687:2010 về thông gió - Điều hòa không khí - Tiêu chuẩn thiết kế có các quy định chung đối với việc thiết kế điều hòa không khí như sau:
- Khi thiết kế thông gió - điều hòa không khí phải nghiên cứu áp dụng các giải pháp kỹ thuật, kể cả các giải pháp tổ hợp giữa công nghệ và kết cấu kiến trúc, nhằm bảo đảm:
+ Điều kiện vi khí hậu và độ trong sạch của môi trường không khí tiêu chuẩn trong vùng làm việc của các phòng trong nhà ở, nhà công cộng và các phòng hành chính - sinh hoạt của nhà công nghiệp (sau đây gọi tắt là nhà hành chính - sinh hoạt) - theo các Phụ lục A; Phụ lục F; Phụ lục G và TCVN 5937:2005;
+ Điều Kiện vi khí hậu và độ trong sạch của môi trường không khí tiêu chuẩn trong vùng làm việc của nhà công nghiệp, phòng thí nghiệm, kho chứa của tất cả các loại công trình nêu trên - theo Phụ lục A; Phụ lục D và Phụ lục G;
+ Độ ồn và độ rung tiêu chuẩn phát ra từ các thiết bị và hệ thống thông gió - điều hòa không khí, trừ hệ thống thông gió sự cố và hệ thống thoát khói - theo TCXD 175:2005;
+ Điều kiện tiếp cận để sửa chữa các hệ thống thông gió - điều hòa không khí;
+ Độ an toàn cháy nổ của các hệ thống thông gió - điều hòa không khí - theo TCVN 3254:1989 và TCVN 5279-90;
+ Tiết kiệm năng lượng trong sử dụng và vận hành - theo QCXDVN 09:2005.
Trong đồ án thiết kế phải ấn định số lượng nhân viên vận hành các hệ thống thông gió - điều hòa không khí.
- Khi thiết kế cải tạo và lắp đặt lại thiết bị cho các công trình nhà công nghiệp, nhà công cộng và nhà hành chính- sinh hoạt phải tận dụng các hệ thống thông gió - điều hòa không khí hiện có trên cơ sở kinh tế - kỹ thuật nếu chúng đáp ứng được các yêu cầu của tiêu chuẩn.
- Thiết bị thông gió - điều hòa không khí, các loại đường ống lắp đặt trong các phòng có môi trường ăn mòn hoặc dùng để vận chuyển môi chất có tính ăn mòn phải được chế tạo từ vật liệu chống ăn mòn hoặc được phủ bề mặt bằng lớp sơn chống rỉ.
- Phải có lớp cách nhiệt trên các bề mặt nóng của thiết bị thông gió - điều hòa không khí để đề phòng khả năng gây cháy các loại khí, hơi, sol khí, bụi có thể có trong phòng với yêu cầu nhiệt độ mặt ngoài của lớp cách nhiệt phải thấp hơn 20% nhiệt độ bốc cháy của các loại khí, hơi... nêu trên.
CHÚ THÍCH: Khi không có khả năng giảm nhiệt độ mặt ngoài của lớp cách nhiệt đến mức yêu cầu nêu trên thì không được bố trí các loại thiết bị đó trong phòng có các loại khí hơi dễ bốc cháy.
- Cấu tạo lớp bảo ôn đường ống dẫn không khí lạnh và dẫn nước nóng/lạnh phải được thiết kế và lắp đặt như quy định trong 8.2 và 8.3 của TCXD 232:1999.
- Các thiết bị thông gió - điều hòa không khí phi tiêu chuẩn, đường ống dẫn không khí và vật liệu bảo ôn phải được chế tạo từ những vật liệu được phép dùng trong xây dựng.
Điều hòa không khí (Hình từ Internet)
Các điều kiện tính toán liên quan đến các thông số của không khí trong phòng được quy định như thế nào?
Tại tiểu mục 4.1 Mục 4 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5687:2010 về thông gió - Điều hòa không khí - Tiêu chuẩn thiết kế có quy định các thông số tính toán của không khí trong phòng như sau:
"4.1. Thông số tính toán (TSTT) của không khí trong phòng
4.1.1. Khi thiết kế điều hòa không khí (ĐHKK) nhằm đảm bảo điều kiện tiện nghi nhiệt cho cơ thể con người, TSTT của không khí trong phòng phải lấy theo Phụ lục A tùy thuộc vào trạng thái nghỉ ngơi tĩnh tại hay lao động ở các mức nhẹ, vừa hoặc nặng.
4.1.2. Đối với thông gió tự nhiên và cơ khí, về mùa hè nhiệt độ tính toán của không khí bên trong phòng không được vượt quá 3 °C so với nhiệt độ cao nhất trung bình ngoài trời của tháng nóng nhất trong năm. Về mùa đông nhiệt độ tính toán của không khí bên trong phòng có thể lấy theo Phụ lục A.
4.1.3. Trường hợp thông gió tự nhiên hoặc cơ khí nếu không đảm bảo được điều kiện tiện nghi nhiệt theo Phụ lục A thì để bù vào độ gia tăng nhiệt độ của môi trường cần tăng vận tốc chuyển động của không khí để giữ được chỉ tiêu cảm giác nhiệt trong phạm vi cho phép, ứng với mỗi 1°C tăng nhiệt độ cần tăng thêm vận tốc gió từ 0,5 m/s đến 0,8 m/s, nhưng không nên vượt quá 1,5 m/s đối với nhà dân dụng và 2,5 m/s đối với nhà công nghiệp.
4.1.4. Nhiệt độ, độ ẩm tương đối, vận tốc gió và độ trong sạch của không khí bên trong các công trình chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt và bảo quản nông sản phải được đảm bảo theo tiêu chuẩn thiết kế xây dựng và công nghệ đối với những công trình nêu trên."
Thông số tính toán của không khí ngoài trời cần đáp ứng các điều kiện tính toán liên quan đến điều hòa không khí nào?
Tại tiểu mục 4.2 Mục 4 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5687:2010 về thông gió - Điều hòa không khí - Tiêu chuẩn thiết kế có quy định như sau:
"4.2. Thông số tính toán (TSTT) của không khí ngoài trời
4.2.1. TSTT của không khí ngoài trời (sau đây gọi tắt là TSTT bên ngoài) dùng để thiết kế thông gió tự nhiên và thông gió cơ khí là nhiệt độ cao nhất trung bình của tháng nóng nhất về mùa hè hoặc nhiệt độ thấp nhất trung bình của tháng lạnh nhất về mùa đông trong năm (xem QCXDVN 02:2008/BXD, Phụ lục Chương 2, Bảng 2.3 và Bảng 2.4).
4.2.2. TSTT bên ngoài dùng để thiết kế ĐHKK cần được chọn theo số giờ m, tính theo đơn vị giờ trên năm, cho phép không đảm bảo chế độ nhiệt ẩm bên trong nhà hoặc theo hệ số bảo đảm Kbđ.
TSTT bên ngoài cho thiết kế ĐHKK được chia thành 3 cấp: I, II và III.
- Cấp I với số giờ cho phép không đảm bảo chế độ nhiệt ẩm bên trong nhà là m = 35 h/năm, ứng với hệ số bảo đảm Kbđ = 0,996 - dùng cho hệ thống ĐHKK trong các công trình có công dụng đặc biệt quan trọng;
- Cấp II với số giờ cho phép không đảm bảo chế độ nhiệt ẩm bên trong nhà là m = 150 h/năm đến 200 h/năm, ứng với hệ số bảo đảm Kbđ = 0,983 đến 0,977 - dùng cho các hệ thống ĐHKK đảm bảo điều kiện tiện nghi nhiệt và điều kiện công nghệ trong các công trình có công dụng thông thường như công sở, cửa hàng, nhà văn hóa-nghệ thuật, nhà công nghiệp;
- Cấp III với số giờ cho phép không đảm bảo chế độ nhiệt ẩm bên trong nhà là m = 350 h/năm đến 400 h/năm, ứng với hệ số bảo đảm Kbđ = 0,960 đến 0,954 - dùng cho các hệ thống ĐHKK trong các công trình công nghiệp không đòi hỏi cao về chế độ nhiệt ẩm và khi TSTT bên trong nhà không thể đảm bảo được bằng thông gió tự nhiên hay cơ khí thông thường không có xử lý nhiệt ẩm.
TSTT bên ngoài dùng để thiết kế ĐHKK theo số giờ cho phép không đảm bảo chế độ nhiệt ẩm bên trong nhà (m) - xem Phụ lục B hoặc có thể tham khảo cách chọn TSTT bên ngoài theo mức vượt của nhiệt độ khô và nhiệt độ ướt mà Hội kỹ sư Sưởi ấm - Cấp lạnh và Điều hòa không khí Hoa Kỳ (ASHRAE) đã áp dụng.
Số liệu về mức vượt MV% của nhiệt độ khô và nhiệt độ ướt của một số địa phương Việt Nam- xem Phụ lục C.
4.2.3. Trường hợp riêng biệt khi có cơ sở kinh tế - kỹ thuật xác đáng có thể chọn TSTT bên ngoài dùng để thiết kế ĐHKK theo số giờ cho phép không đảm bảo chế độ nhiệt ẩm bên trong nhà (m) bất kỳ, nhưng không được thấp hơn cấp III nêu trên.
CHÚ THÍCH:
1) Mức vượt MV% của nhiệt độ khô/ướt được hiểu là tỷ lệ thời gian trong năm có nhiệt độ bằng hoặc cao hơn trị số nhiệt độ đã chọn. Theo quy định của ASHRAE, về mùa hè - cần làm lạnh - có 3 mức vượt được ấn định để chọn TSTT cho ĐHKK; 0,4% (tương ứng với số giờ vượt là 35 h/năm); 1% (tương ứng với số giờ vượt là 88 h/năm) và 2% (tương ứng với số giờ vượt là 175 h/năm); về mùa đông - cần sưởi ấm - có 2 mức vượt là 99,6% (tương ứng với số giờ vượt là 8725 h/năm) và 99% (tương ứng với số giờ vượt là 8672 h/năm). Nếu quy mức vượt MV ra hệ số bảo đảm Kbđ, lần lượt ta sẽ có: Về mùa hè tương ứng với 3 trị số hệ số bảo đảm là: Kbđ = 0,996; 0,990 và 0,980. Về mùa đông: Kbđ = 0,996 và 0,990.
2) Do điều kiện khách quan trong các Phụ lục B và C hiện chỉ có số liệu của 15 địa phương đại diện cho tất cả 7 vùng khí hậu (theo phân vùng khí hậu của QCXDVN 02:2008/BXD). Các địa phương khác có thể sẽ được bổ sung trong tương lai. Đối với các địa phương chưa có trong Phụ lục B và Phụ lục C tạm thời có thể tham khảo số liệu cho ở địa phương lân cận; có thể nội suy theo khoảng cách giữa hai địa phương nằm liền kề hai bên hoặc chọn theo vùng khí hậu;
3) Các địa phương miền Nam có nhiệt độ trung bình năm trên 25 °C (từ Đông Hà trở vào, trừ các tỉnh Tây Nguyên) là những địa phương được xem như không có mùa đông lạnh. Mùa đông ở đây chỉ có ý nghĩa là mùa có khí hậu mát mẻ hơn mùa hè và cũng cần biết TSTT để kiểm tra quá trình ĐHKK về mùa này có cần tiếp tục cấp lạnh hay không, hay chỉ dùng không khí hòa trộn rồi làm lạnh đoạn nhiệt, sau đó cần hoặc không cần gia nhiệt rồi thổi vào phòng, thậm chí có thể dùng hoàn toàn không khí ngoài để thổi vào phòng. Vì vậy trong các Phụ lục B và Phụ lục C có cho đủ TSTT của cả hai mùa hè và đông cho tất cả các địa phương có trong Phụ lục."
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?