Cách viết hoa tên cơ quan của Đảng? Phiên âm họ tên người nước ngoài trong văn bản của Văn phòng Trung ương Đảng ra sao?
Việc viết hoa tên cơ quan của Đảng trong văn bản của Văn phòng Trung ương Đảng phải bảo đảm tính thẩm mỹ đúng không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Quy định 4148-QĐ/VPTW năm 2019 về yêu cầu trong cách viết hoa tên cơ quan tại văn bản ở Văn phòng Trung ương Đảng như sau:
Yêu cầu trong cách viết hoa, phiên âm:
- Đúng ngữ pháp và chính tả tiếng Việt phổ thông.
- Bảo đảm không làm thay đổi ý nghĩa, nội dung và giá trị của văn bản.
- Bảo đảm tính thẩm mỹ của văn bản.
- Thuận tiện cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác soạn thảo văn bản.
- Phiên âm phải phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành về cách phiên âm tên riêng nước ngoài. Trong trường hợp tên riêng nước ngoài chưa được quy định trong Quy định này hoặc chưa thống nhất cách phiên âm thì để nguyên dạng theo tiếng La-tinh.
Như vậy, việc viết hoa tên cơ quan của Đảng trong văn bản của Văn phòng Trung ương Đảng phải bảo đảm tính thẩm mỹ của văn bản đó.
Cách viết hoa tên cơ quan của Đảng? Phiên âm họ tên người nước ngoài trong văn bản của Văn phòng Trung ương Đảng ra sao? (Hình từ Internet)
Cách viết hoa tên cơ quan của Đảng như thế nào?
Cách viết hoa tên cơ quan của Đảng được hướng dẫn tại điểm 4.1 khoản 4 Điều 3 Quy định 4148-QĐ/VPTW năm 2019.
Theo đó cách viết hoa tên cơ quan của Đảng như sau:
(1) Tên các cơ quan lãnh đạo của Đảng:
Viết hoa chữ cái đầu của các từ, cụm từ trong tổ hợp từ dùng làm tên của các cơ quan đó.
Ví dụ:
- Ở Trung ương:
Ban Chấp hành Trung ương
Bộ Chính trị
Ban Bí thư
- Ở địa phương:
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam
Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ
Tỉnh ủy Điện Biên
(2) Tên các cơ quan của Đảng:
Viết hoa chữ cái đầu của các từ, cụm từ chỉ loại hình cơ quan và âm tiết chỉ chức năng, nhiệm vụ, tính chất, lĩnh vực hoạt động của cơ quan đó.
Ví dụ:
- Ở Trung ương:
Văn phòng Trung ương Đảng
Ban Tổ chức Trung ương
Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Ban Đối ngoại Trung ương
Hội đồng Lý luận Trung ương
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật
- Ở địa phương:
Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
Văn phòng Quận ủy Cầu Giấy
Văn phòng Đảng ủy phường Mai Dịch
(3) Tên các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy:
Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất và âm tiết chỉ tên riêng của cơ quan đó.
Ví dụ:
- Ở Trung ương:
Ban cán sự đảng Chính phủ
Đảng đoàn Quốc hội
Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương
- Ở địa phương:
Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai
Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn
Phiên âm họ tên người nước ngoài trong văn bản của Văn phòng Trung ương Đảng ra sao?
Phiên âm họ tên người nước ngoài trong văn bản của Đảng được quy định tại khoản 1 Điều 4 Quy định 4148-QĐ/VPTW năm 2019 như sau:
(1) Họ tên người nước ngoài đã được phiên âm qua âm Hán - Việt thành ngôn ngữ đơn âm tiết:
Viết hoa tất cả các chữ cái đầu của âm tiết và không dùng dấu gạch nối (tương tự như viết hoa tên người Việt Nam).
Ví dụ: Tập Cận Bình, Lý Hiển Long, Thành Cát Tư Hãn, Kim Nhật Thành...
(2) Họ tên người nước ngoài không phiên âm qua âm Hán - Việt (phiên âm trực tiếp sát với cách đọc của nguyên ngữ):
Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất trong mỗi thành tố, giữa các âm tiết có gạch nối.
Ví dụ: Vla-đi-mia Pu-tin, Ô-ba-ma, Bin Clin-tơn, Phi-đrích Ăng-ghen, Phi-đen Cát-xtơ-rô...
(3) Trường hợp tên người nước ngoài để nguyên dạng theo tiếng La-tinh:
Viết hoa chữ cái đầu các âm tiết tạo thành tên riêng, họ, tên đệm, giữa các âm tiết không dùng dấu gạch nối.
Ví dụ: V.V.Putin, Obama, Trump, B.Clinton, V.I.Lenin...
(4) Đối với những trường hợp tên người nước ngoài chưa thống nhất cách phát âm hoặc không phổ biến thì viết tên nguyên dạng theo tiếng La-tinh bên cạnh tên đã phiên âm và để trong ngoặc đơn.
Ví dụ: Gốt-san (Ghoshal), A.Chin-oa-nô (A.Chinwano), Điu Gu-na-xe-ca-ra (Dew Gunasekara)...
Lưu ý: Cũng theo quy định tại Điều 4 Quy định 4148-QĐ/VPTW năm 2019 thì phiên âm địa danh nước ngoài trong văn bản của Văn phòng Trung ương Đảng như sau:
- Địa danh nước ngoài đã được phiên âm theo âm Hán - Việt: Viết hoa tất cả các chữ cái đầu của âm tiết tạo thành tên riêng, giữa các âm tiết không dùng dấu gạch nối (tương tự như viết hoa tên địa danh Việt Nam).
Ví dụ: Trung Quốc, Triều Tiên, Bình Nhưỡng, Nhật Bản, Ba Lan, Bắc Kinh, Nga, Pháp...
- Địa danh nước ngoài phiên âm theo tiếng Việt: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên riêng, giữa các âm tiết có dấu gạch nối. Ví dụ: Mát-xcơ-va, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, Cam-pu-chia...
- Trường hợp để nguyên dạng thì không sử dụng dấu gạch nối và viết dưới dạng chữ La-tinh. Ví dụ: Singapore, Moscow, Indonesia...
- Ngoài tên nước và thủ đô các nước trên thế giới đã có cách thức phiên âm tương đối thống nhất, đối với những trường hợp địa danh nước ngoài không phổ biến, chưa thống nhất cách phiên âm thì để nguyên dạng theo tiếng La-tinh; hoặc nếu phiên âm thì viết tên nguyên dạng theo tiếng La-tinh bên cạnh tên đã phiên âm và để trong ngoặc đơn.
Ví dụ: người Cuốc (Kurd), Rắc-ca (Raqqa), đội quân Héc-bô-la (Hezbollah), A-dát (Azaz)...
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thuế có phải là một khoản nộp bắt buộc? Trách nhiệm của người nộp thuế trong việc nộp tiền thuế là gì?
- Hợp tác xã có phải đối tượng được Nhà nước hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hay không?
- Hệ thống thông tin về hoạt động xây dựng được xây dựng để làm gì? Thông tin trong hệ thống thông tin về hoạt động xây dựng được điều chỉnh khi nào?
- Viên chức lý lịch tư pháp hạng I, hạng II, hạng III có nhiệm vụ và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ thế nào?
- Mã số thông tin của công trình xây dựng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng được khởi tạo khi nào?