Cán bộ công chức gửi bản kê khai tài sản thu nhập cuối năm cho ai? Công khai bản kê khai tài sản thu nhập cán bộ công chức tại đâu?
Cán bộ công chức gửi bản kê khai tài sản thu nhập cuối năm cho ai?
Căn cứ theo Điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định tổ chức việc kê khai tài sản, thu nhập như sau:
Tổ chức việc kê khai tài sản, thu nhập
1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai tổ chức việc kê khai tài sản, thu nhập như sau:
a) Lập danh sách người có nghĩa vụ kê khai và gửi cho Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thẩm quyền;
b) Hướng dẫn việc kê khai tài sản, thu nhập cho người có nghĩa vụ kê khai;
c) Lập sổ theo dõi kê khai, giao, nhận bản kê khai.
2. Người có nghĩa vụ kê khai có trách nhiệm kê khai theo mẫu và gửi bản kê khai cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai.
Theo đó, cán bộ công chức gửi bản kê khai tài sản thu nhập cuối năm cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng cán bộ công chức có nghĩa vụ kê khai.
Cán bộ công chức gửi bản kê khai tài sản thu nhập cuối năm cho ai? Công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức tại đâu? (Hình từ Internet)
Trường hợp cán bộ công chức kê khai tài sản thu nhập không đúng mẫu tại Nghị định 130 thì xử lý thế nào?
Mẫu bản kê khai tài sản thu nhập cuối năm dành cho cán bộ, công chức được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm Nghị định 130/2020/NĐ-CP, có dạng như sau:
TẢI VỀ: Mẫu bản kê khai tài sản thu nhập cuối năm dành cho cán bộ công chức
Căn cứ theo Điều 38 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định như sau:
Tiếp nhận, quản lý, bàn giao bản kê khai tài sản, thu nhập
1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý bản kê khai.
2. Trường hợp bản kê khai không đúng theo mẫu hoặc không đầy đủ về nội dung thì cơ quan, tổ chức, đơn vị yêu cầu kê khai bổ sung hoặc kê khai lại. Thời hạn kê khai bổ sung hoặc kê khai lại là 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
3. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được bản kê khai, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai rà soát, kiểm tra bản kê khai và bàn giao 01 bản kê khai cho Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thẩm quyền.
Theo đó, cán bộ công chức kê khai tài sản không đúng theo mẫu tại Nghị định 130 thì cơ quan, tổ chức, đơn vị yêu cầu kê khai bổ sung hoặc kê khai lại.
Cán bộ công chức kê khai bổ sung hoặc kê khai lại thì phải hoàn thành trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
Lưu ý: Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cần xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ công chức khi có một trong các căn cứ sau đây:
- Cán bộ công chức có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực;
- Cán bộ công chức có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300.000.000 đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc;
- Có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của Luật Tố cáo 2018;
- Cán bộ công chức thuộc trường hợp xác minh theo kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên;
- Có yêu cầu hoặc kiến nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền.
(theo Điều 41 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018)
Công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức tại đâu?
Căn cứ tại Điều 39 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức tại những nơi như sau:
- Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.
- Bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.
- Bản kê khai của người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải được công khai theo quy định của pháp luật về bầu cử.
- Bản kê khai của người dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trước khi bầu, phê chuẩn. Thời điểm, hình thức công khai được thực hiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Bản kê khai của người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành bổ nhiệm hoặc tại cuộc họp của Hội đồng thành viên khi tiến hành bầu các chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Lưu ý: Chính phủ quy định chi tiết về thời điểm, hình thức và việc tổ chức công khai bản kê khai quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 39 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu đơn yêu cầu chia di sản thừa kế gửi Tòa án? Di chúc không hợp pháp thì di sản sẽ chia như thế nào?
- Có cần phải xây dựng Bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư nếu chưa tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu không?
- Xin giấy chứng nhận nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội thế nào khi NLĐ cần nghỉ bệnh dài hơn 30 ngày? Mức hưởng ra sao?
- Điều kiện thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV tại cộng đồng là gì? Nhiệm vụ của nhân viên tiếp cận cộng đồng trong dự phòng lây nhiễm HIV?
- Mẫu phiếu đánh giá nguy cơ và chỉ định điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) theo Quyết định 5968?