Căn cứ vào đâu để xác định tuổi của người bị hại dưới 18 tuổi? Nếu không xác định được chính xác tuổi của bị hại thì sẽ làm sao?
Căn cứ vào đâu để xác định tuổi của người bị hại là người dưới 18 tuổi?
Theo Điều 6 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH quy định về việc phối hợp trong việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi như sau:
Phối hợp trong việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi
1. Việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu sau:
a) Giấy chứng sinh;
b) Giấy khai sinh;
c) Chứng minh nhân dân;
d) Thẻ căn cước công dân;
đ) Sổ hộ khẩu;
e) Hộ chiếu.
2. Trường hợp các giấy tờ, tài liệu nêu tại khoản 1 Điều này có mâu thuẫn, không rõ ràng hoặc không có giấy tờ, tài liệu này thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải phối hợp với gia đình, người đại diện, người thân thích, nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động, sinh hoạt trong việc hỏi, lấy lời khai, xác minh làm rõ mâu thuẫn hoặc tìm các giấy tờ, tài liệu khác có giá trị chứng minh về tuổi của người đó.
Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp nhưng chỉ xác định được khoảng thời gian tháng, quý, nửa đầu hoặc nửa cuối của năm hoặc năm sinh thì tùy từng trường hợp cụ thể cần căn cứ khoản 2 Điều 417 Bộ luật Tố tụng hình sự để xác định tuổi của họ.
...
Theo đó, việc xác định tuổi của người bị hại dưới 18 tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu sau:
- Giấy chứng sinh;
- Giấy khai sinh;
- Chứng minh nhân dân;
- Thẻ căn cước công dân;
- Sổ hộ khẩu;
- Hộ chiếu.
Xác định tuổi của bị hại là người dưới 18 tuổi (Hình từ Internet)
Nếu không xác định được chính xác ngày tháng năm sinh của bị hại thì sẽ làm sao?
Căn cứ theo Điều 417 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, nếu đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác thì ngày, tháng, năm sinh của bị hại là người dưới 18 tuổi được xác định như sau:
- Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh.
- Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh.
- Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh.
- Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh.
- Trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.
Đồng thời, tại khoản 3 Điều 6 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH quy định nếu kết quả giám định tuổi chỉ xác định được khoảng độ tuổi của người bị hại thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định được để xác định tuổi của họ.
Ví dụ: Kết luận giám định A có độ tuổi trong khoảng từ 13 tuổi 2 tháng đến 14 tuổi 1 tháng thì xác định tuổi của A là 13 tuổi 2 tháng.
Người tiến hành tố tụng phải có thái độ như thế nào trong quá trình lấy lời khai người bị hại dưới 18 tuổi?
Căn cứ theo Điều 14 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH quy định về việc lấy lời khai, hỏi cung người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi như sau:
Lấy lời khai, hỏi cung người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi
...
2. Việc lấy lời khai, hỏi cung phải theo đúng trình tự, thủ tục, thời gian, bảo đảm sự tham gia của người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi theo quy định tại Điều 183, Điều 421, các điều luật khác có liên quan của Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT- BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 01/01/2018 hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Trường hợp vụ án có người bị hại dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì việc lấy lời khai của họ phải được tiến hành ngay sau khi tiếp nhận nguồn tin về tội phạm.
3. Khi tiến hành lấy lời khai, hỏi cung, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải có thái độ thân thiện, nhẹ nhàng, sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, phù hợp với độ tuổi, giới tính, khả năng nhận thức của họ; xem xét áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm giảm đến mức thấp nhất thời gian, số lượng lần lấy lời khai, hỏi cung và phải tạm dừng ngay việc lấy lời khai, hỏi cung khi người dưới 18 tuổi có biểu hiện mệt mỏi, ảnh hưởng đến khả năng khai báo chính xác, đầy đủ.
...
Theo đó, khi tiến hành lấy lời khai bị hại dưới 18 tuổi thì người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải có thái độ thân thiện, nhẹ nhàng, sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, phù hợp với độ tuổi, giới tính, khả năng nhận thức của họ và phải tạm dừng ngay việc lấy lời khai khi người dưới 18 tuổi có biểu hiện mệt mỏi, ảnh hưởng đến khả năng khai báo chính xác, đầy đủ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mức cho vay nội bộ tối đa của hợp tác xã là bao nhiêu? Lãi suất áp dụng đối với khoản nợ vay quá hạn thế nào?
- Mẫu bản nhận xét đánh giá cán bộ chiến sỹ Công an nhân dân mới nhất? Hướng dẫn cách viết bản nhận xét?
- Cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng gồm các thông tin nào? Phân loại thông tin trong cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng?
- Hướng dẫn điền mẫu bản kê khai tài sản thu nhập bổ sung dành cho cán bộ, công chức? Tải mẫu bản kê khai bổ sung?
- Thông tư 50 2024 quy định ngân hàng không gửi tin nhắn SMS thư điện tử có chứa link cho khách hàng từ ngày 1 1 2025?