Cha mẹ có quyền quản lý tiền mừng tuổi của con hay không? Trường hợp cha mẹ định đoạt tiền mừng tuổi của con khi chưa có sự đồng ý thì bị xử phạt như thế nào?
Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cần thực hiện những gì theo quy định?
Tại Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về nghĩa vụ và quyền hạn của cha mẹ như sau:
Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ
1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
3. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
4. Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Cha mẹ có quyền quản lý tiền mừng tuổi của con hay không?
Theo khoản 1 Điều 75 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về quyền có tài sản riêng của con thì con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con.
Bên cạnh đó, khoản 1, khoản 2 Điều 76 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về quản lý tài sản riêng của con quy định như sau:
Quản lý tài sản riêng của con
1. Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.
2. Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác.
Như vậy, tiền mừng tuổi là tài sản được tặng cho riêng nên được coi là tài sản riêng của cháu. Tuy nhiên, việc quản lý tiền mừng tuổi của cháu như thế nào lại phụ thuộc vào độ tuổi. Nếu cháu đã đủ 15 tuổi thì có thể tự mình quản lý tiền mừng tuổi của mình hoặc nhờ cha mẹ quản lý.
Bên cạnh đó, tại Điều 77 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về các trường hợp cha mẹ định đoạt tài sản riêng của con như sau:
Định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự
1. Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
2. Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ.
3. Trong trường hợp con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì việc định đoạt tài sản riêng của con do người giám hộ thực hiện.
Theo đó đối với trường hợp con của chị đã đủ 15 tuổi thì cha mẹ có thể quản lý tiền mừng tuổi của con nếu con nhờ quản lý. Còn việc sử dụng số tiền mừng tuổi sẽ do con tự định đoạt.
Cha mẹ có quyền quản lý tiền mừng tuổi của con hay không? (Hình từ Internet)
Cha mẹ định đoạt tiền mừng tuổi của con khi chưa có sự đồng ý thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 58 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định thì:
Hành vi bạo lực về kinh tế
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
1. Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình.
2. Ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động.
3. Ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống.
Như vậy có thể thấy rằng khi cha mẹ định đoạt tiền mừng tuổi của con khi không có sự đồng ý của con thì thuộc hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình, với hành vi này cha mẹ có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Khi xảy ra sự kiện gì công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường? Nội dung công bố thông tin định kỳ là gì?
- 15 thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú của công dân theo Nghị định 154/2024 áp dụng từ 2025 thế nào?
- Lời chúc ngày truyền thống của Hội Cựu chiến binh Việt Nam 6 12 2024? Lời chúc kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội CCB Việt Nam?
- Khẩu hiệu Ngày truyền thống Hội Cựu chiến binh Việt Nam 2024 ý nghĩa? Khẩu hiệu tuyên truyền kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Hội CCB Việt Nam 2024?
- 04 báo cáo lao động doanh nghiệp phải nộp trước khi kết thúc năm? Mẫu báo cáo lao động mới nhất?