Chặt phá rừng sản xuất bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền? Cá nhân đó có thể bị xử phạt tù hay không?
Cá nhân chặt phá rừng sản xuất có diện tích 2000m2 bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền?
Theo điểm b khoản 5 Điều 20 Nghị định 35/2019/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành chính đối với người có hành vi phá rừng trái pháp luật như sau:
Phá rừng trái pháp luật
Hành vi chặt, đốt, phá cây rừng, đào, bới, san ủi, nổ mìn; đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên, xả chất độc hoặc các hành vi khác gây thiệt hại đến rừng với bất kỳ mục đích gì (trừ hành vi quy định tại Điều 13 của Nghị định này) mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bị xử phạt như sau:
...
5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với một trong các trường hợp sau:
a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh chưa có trữ lượng thuộc các loại rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng có diện tích từ 12.000 m2 đến dưới 15.000 m2;
b) Rừng sản xuất có diện tích từ 2.000 m2 đến dưới 2.500 m2;
c) Rừng phòng hộ có diện tích từ 1.200 m2 đến dưới 1.500 m2;
d) Rừng đặc dụng có diện tích từ 400 m2 đến dưới 500 m2;
...
Theo quy định nêu trên thì cá nhân có hành vi chặt phá rừng sản xuất có diện tích 2000m2 bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng.
Cá nhân chặt phá rừng sản xuất có diện tích 2000m2 có thể bị xử phạt tù hay không?
Theo điểm b khoản 1 Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi điểm a khoản 63 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định khung hình phạt đối với người chặt phá rừng sản xuất trái phép như sau:
Tội hủy hoại rừng
1. Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ 30.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2);
b) Rừng sản xuất có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);
c) Rừng phòng hộ có diện tích từ 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 7.000 mét vuông (m2);
d) Rừng đặc dụng có diện tích từ 1.000 mét vuông (m2) đến dưới 3.000 mét vuông (m2);
...
Như vậy, cá nhân chặt phá rừng sản xuất có diện tích 2000m2 chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính.
Tuy nhiên, nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì cá nhân chặt phá rừng sản xuất có diện tích 2000m2 có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
- Có tổ chức;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
- Tái phạm nguy hiểm;
Lưu ý: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Chặt phá rừng sản xuất bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền? Cá nhân đó có thể bị xử phạt tù hay không? (Hình từ Internet)
Tội chặt phá rừng sản xuất được xếp vào loại tội phạm nào?
Theo khoản 1 Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định như sau:
Phân loại tội phạm
1. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:
a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;
c) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;
d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều này và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này.
Như vậy, căn cứ tùy theo mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội chặt phá rừng sản xuất để xác định tội chặt phá rừng sản xuất được xếp vào loại tội phạm nào theo quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?