Chính sách ưu đãi với công nghiệp hỗ trợ? Đối tượng nào được hưởng chính sách ưu đãi với công nghiệp hỗ trợ?
Đối tượng nào được hưởng chính sách ưu đãi với công nghiệp hỗ trợ?
Theo khoản 1 Điều 11 Nghị định 111/2015/NĐ-CP thì dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển: Bao gồm dự án đầu tư mới, dự án mở rộng và đổi mới công nghệ có ứng dụng thiết bị mới, quy trình sản xuất mới, sản xuất sản phẩm với năng lực sản xuất tăng ít nhất 20%.
Chính sách ưu đãi với công nghiệp hỗ trợ được quy định như thế nào?
Chính sách ưu đãi đối với Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển theo Điều 12 Nghị định 111/2015/NĐ-CP như sau:
* Ưu đãi chung:
- Thuế thu nhập doanh nghiệp:
Được áp dụng ưu đãi thuế theo quy định của Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014.
- Thuế nhập khẩu:
Được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Tín dụng:
+ Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục ưu tiên phát triển được vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước;
+ Được vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với mức lãi suất cho vay theo trần lãi suất cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại từng thời kỳ.
- Thuế giá trị gia tăng:
Doanh thu của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được lựa chọn kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng, theo năm, khai tạm tính theo quý.
- Bảo vệ môi trường:
Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được vay với lãi suất ưu đãi từ Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam cho hạng mục xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường của Dự án.
* Ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa:
Ngoài các ưu đãi chung ở trên, doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển còn được hưởng các ưu đãi sau:
- Tín dụng đầu tư:
Được vay tối đa 70% vốn đầu tư tại các tổ chức tín dụng trên cơ sở bảo lãnh của các tổ chức bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định khi đáp ứng các điều kiện sau:
+ Có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật tối thiểu 15% giá trị khoản vay, sau khi đã loại trừ giá trị tài sản cầm cố, thế chấp cho các khoản vay khác;
+ Có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư, sau khi trừ số vốn chủ sở hữu thu xếp cho các dự án khác;
+ Tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, không có các khoản nợ đọng nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế khác.
- Tiền thuê đất, mặt nước:
+ Được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai;
+ Trường hợp Dự án có tính chất đặc biệt hoặc quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cần hỗ trợ cao hơn mức hỗ trợ quy định tại tiết trên thì Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
* Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ngoài các ưu đãi chung còn được hưởng các ưu đãi đầu tư theo địa bàn.
Công nghiệp hỗ trợ (Hình từ Internet)
Kinh phí thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ quy định thế nào?
Theo khoản 3 Điều 10 Nghị định 111/2015/NĐ-CP quy định về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ như sau:
Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ
...
3. Kinh phí:
a) Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ:
- Nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ theo phân cấp ngân sách hiện hành;
- Kinh phí của các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ;
- Nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
- Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
b) Kế hoạch và Dự toán:
- Bộ Công Thương xây dựng, tổng hợp vào dự toán ngân sách chung hàng năm của Bộ Công Thương gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan theo quy định;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm của địa phương, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
...
Theo đó, nguồn kinh phí thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ được lấy từ các nguồn
- Nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ theo phân cấp ngân sách hiện hành;
- Kinh phí của các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ;
- Nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
- Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hà Nội dành hơn 567 tỷ đồng tặng hơn 1,1 triệu suất quà cho đối tượng chính sách, hộ nghèo dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025?
- Thỏa thuận trọng tài được lập trước hay sau khi xảy ra tranh chấp? Thỏa thuận trọng tài qua email có hiệu lực hay không?
- Ngày 10 tháng 12 là ngày gì? Ngày 10 tháng 12 năm nay là ngày bao nhiêu âm lịch? Có phải là ngày nghỉ lễ của người lao động?
- Chậm thực hiện nghĩa vụ là gì? Lãi suất phát sinh do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền được xác định như thế nào?
- Mẫu phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng từ 1/1/2025 theo Thông tư 52/2024?