Cho thuê, cho mượn giấy phép bưu chính có bị xử lý không? Nếu có thì hình thức xử lý được quy định như thế nào?
Trách nhiệm sử dụng giấy phép bưu chính của doanh nghiệp được quy định như thế nào?
Theo Điều 15 Nghị định 47/2011/NĐ-CP quy định về trách nhiệm sử dụng giấy phép bưu chính đối với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính như sau:
"Điều 15. Sử dụng giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính
Doanh nghiệp, tổ chức được cấp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính có trách nhiệm:
1. Hoạt động bưu chính theo đúng nội dung quy định trong giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính.
2. Không sửa chữa, tẩy xóa nội dung ghi trong giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính.
3. Không mua bán, chuyển nhượng, trừ trường hợp gắn với việc chuyển nhượng toàn bộ doanh nghiệp do mua bán hoặc sáp nhập doanh nghiệp.
4. Không cho mượn, cho thuê, cầm cố.
5. Nộp trả giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính cho cơ quan có thẩm quyền về bưu chính khi có quyết định thu hồi."
Căn cứ quy định trên, ta thấy giấy phép bưu chính không được cho mượn, cho thuê, cầm cố.
Giấy phép bưu chính bị thu hồi trong trường hợp nào?
Giấy phép bưu chính được cấp cho doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ bưu chính đáp ứng các điều kiện cấp phép bưu chính theo quy định. Tuy nhiên, pháp luật cũng có quy định về những trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép bưu chính nếu thực hiện một trong các hành vi được quy định tại Điều 24 Luật Bưu chính 2010, cụ thể như sau:
- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép bưu chính thu hồi giấy phép bưu chính nếu doanh nghiệp được cấp giấy phép có một trong những hành vi sau đây:
+ Hoạt động chống lại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội;
+ Cung cấp thông tin giả mạo hoặc cố ý gian dối để được cấp giấy phép;
+ Không còn đủ các điều kiện để được cấp giấy phép;
+ Cung ứng dịch vụ bưu chính không đúng với nội dung được ghi trong giấy phép, gây hậu quả nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
+ Sau 01 năm kể từ ngày được cấp giấy phép chưa triển khai cung ứng dịch vụ bưu chính được ghi trong giấy phép;
+ Cho thuê, cho mượn giấy phép; chuyển nhượng giấy phép trái pháp luật.
- Sau 01 năm kể từ khi bị thu hồi giấy phép theo quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 điều này, nếu đã khắc phục được hậu quả gây ra và có đủ các điều kiện để được cấp giấy phép quy định tại Điều 21 của Luật này, doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép có thể làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép mới.
Theo quy định trên, doanh nghiệp cho thuê, cho mượn giấy phép bưu chính thì doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy phép theo quy định. Trong trường hợp sau 01 năm kể từ khi bị thu hồi giấy phép, nếu đã khắc phục được hậu quả gây ra và có đủ điều kiện để được cấp giấy phép theo quy định thì doanh nghiệp có thể làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép mới.
Cho thuê, cho mượn giấy phép bưu chính
Cho thuê, cho mượn giấy phép bưu chính bị xử lý như thế nào?
Theo khoản 4 Điều 5 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về việc xử lý hành vi vi phạm các quy định về giấy phép bưu chính, cụ thể như sau:
"Điều 5. Vi phạm các quy định về Giấy phép bưu chính
...
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Cung ứng dịch vụ bưu chính nhưng không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính;
b) Mua bán, cầm cố Giấy phép bưu chính;
c) Cho thuê, cho mượn Giấy phép bưu chính; chuyển nhượng Giấy phép bưu chính trái pháp luật."
Căn cứ quy định trên, mức xử phạt đối với doanh nghiệp có hành vi cho thuê, cho mượn giấy phép bưu chính là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Theo đó, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức được quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Ngoài ra, doanh nghiệp có hành vi cho thuê, cho mượn giấy phép bưu chính còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a và điểm b khoản 6 Điều 5 Nghị định 15/2020/NĐ-CP như sau:
- Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép bưu chính thu hồi Giấy phép bưu chính đối với hành vi cho thuê, cho mượn giấy phép bưu chính;
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi cho thuê, cho mượn giấy phép bưu chính.
Như vậy, doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ bưu chính khi được cấp giấy phép bưu chính có trách nhiệm sử dụng theo quy định của pháp luật. Theo đó, trong phạm vi trách nhiệm của mình, doanh nghiệp không được phép cho thuê, cho mượn giấy phép bưu chính. Trường hợp doanh nghiệp có hành vi cho thuê, cho mượn giấy phép thì sẽ bị thu hồi giấy phép và bị áp dụng hình thức xử phạt theo quy định tại khoản 4 và khoản 6 Điều 5 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lĩnh vực nông nghiệp của hợp tác xã gồm những ngành nào? Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp được phân loại như thế nào?
- Thuế có phải là một khoản nộp bắt buộc? Trách nhiệm của người nộp thuế trong việc nộp tiền thuế là gì?
- Hợp tác xã có phải đối tượng được Nhà nước hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hay không?
- Hệ thống thông tin về hoạt động xây dựng được xây dựng để làm gì? Thông tin trong hệ thống thông tin về hoạt động xây dựng được điều chỉnh khi nào?
- Viên chức lý lịch tư pháp hạng I, hạng II, hạng III có nhiệm vụ và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ thế nào?