Cho thuê giấy chứng chỉ kế toán viên có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì mức xử phạt đối với hành vi cho thuê giấy chứng chỉ kế toán viên quy định như thế nào?
Chứng chỉ kế toán viên là gì?
Chứng chỉ kế toán viên hay còn gọi là chứng chỉ hành nghề kế toán (được viết tắt theo tên tiếng anh là CPA - Certified Public Accountants), là một loại giấy chứng nhận được cấp cho kế toán viên sau khi đã trải qua kì thi mà Bộ Tài chính Việt Nam tổ chức. Thông thường, Hội đồng thi sẽ tổ chức tối thiểu một kì thi vào mỗi quý III hoặc quý IV hằng năm.
Khi bạn có chứng chỉ hành nghề kế toán, bạn hoàn toàn có thể tự chọn cho mình một công việc phụ trách kế toán ở một doanh nghiệp. Nhưng thực tế trong một số công ty hoặc doanh nghiệp, kế toán viên có thể có hoặc không có chứng chỉ hành nghề.
Điều kiện thi chứng chỉ kế toán viên?
Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 91/2017/TT-BTC, quy định về điều kiện dự thi chứng chỉ kế toán viên, như sau:
“Điều 4. Điều kiện dự thi
Người dự thi lấy chứng chỉ kiểm toán viên, chứng chỉ kế toán viên phải có đủ các điều kiện sau đây:
1. Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật;
2. Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên về chuyên ngành Tài chính, Ngân hàng, Kế toán, Kiểm toán; hoặc có bằng tốt nghiệp đại học các chuyên ngành khác với tổng số đơn vị học trình (hoặc tiết học) các môn học: Tài chính, Kế toán, Kiểm toán, Phân tích hoạt động tài chính, Thuế từ 7% trở lên trên tổng số học trình (hoặc tiết học) cả khóa học; hoặc có bằng tốt nghiệp đại học các chuyên ngành khác và có văn bằng, chứng chỉ hoàn thành các khoá học do Tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán cấp bảo đảm các quy định tại Điều 9 Thông tư này;
3. Có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán tối thiểu 36 tháng, được tính trong khoảng thời gian từ tháng tốt nghiệp ghi trên bằng tốt nghiệp đại học (hoặc sau đại học) đến thời điểm đăng ký dự thi. Thời gian công tác thực tế về kiểm toán bao gồm thời gian làm trợ lý kiểm toán tại doanh nghiệp kiểm toán, thời gian làm kiểm toán nội bộ tại bộ phận kiểm toán nội bộ của đơn vị, thời gian làm kiểm toán tại cơ quan Kiểm toán Nhà nước;
4. Nộp đầy đủ, đúng mẫu hồ sơ dự thi và chi phí dự thi theo quy định;
5. Không thuộc các đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 52 của Luật kế toán.”
Như vậy, có thể thấy rằng nếu muốn hành nghề kế toán thì bạn cần tuân thủ theo quy định và các chuẩn mực của nghề.
Cho thuê giấy chứng chỉ kế toán viên có vi phạm pháp luật không?
Cho thuê giấy chứng chỉ kế toán viên có vi phạm pháp luật không?
Căn cứ tại khoản 9 Điều 13 Luật Kế toán 2015 quy định hành vi bị cấm trong hoạt động kế toán, bao gồm: Thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ kế toán viên, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán dưới mọi hình thức.
Như vậy, theo quy định trên cho thuê giấy chứng chỉ kế toán viên là hành vi bị nghiêm cấm trong pháp luật kế toán. Nếu bạn cố tình sai phạm quy định thì được xem là vi phạm pháp luật.
Mức xử phạt đối với hành vi cho thuê giấy chứng chỉ kế toán viên?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 21 Nghị định 41/2018/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi cho thuê giấy chứng chỉ kế toán viên để hành nghề dịch vụ kế toán:
“Điều 21. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng Chứng chỉ kế toán viên, Chứng chỉ kiểm toán viên
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung Chứng chỉ kế toán viên;
b) Cho tổ chức, cá nhân khác ngoài đơn vị mình đang làm việc thuê, mượn, sử dụng Chứng chỉ kế toán viên, Chứng chỉ kiểm toán viên của mình để đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán hoặc đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán tại đơn vị nơi mình thực tế không làm việc theo hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian.”
Như vậy, nếu bạn cho thuê giấy chứng chỉ kế toán viên để người bạn kia đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán tại một đơn vị mà bạn không làm việc theo hợp đồng lao động toàn bộ thời gian thì có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Về hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi này được, quy định tại khoản 4, 5 Điều 21 Nghị định 41/2018/NĐ-CP, như sau:
“4. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán trong thời gian từ 03 tháng đến 06 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành đối với kế toán viên hành nghề thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.”
Lưu ý: Đây là mức phạt tiền đối với với cá nhân, trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt bằng 02 lần so với mức phạt áp dụng với cá nhân (khoản 2 Điều 5 Nghị định 102/2021/NĐ-CP).
Như vậy, trên đây là quy định về mức xử phạt đối với hành vi cho thuê chứng chỉ kế toán viên để đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán khi biểu quyết về quyết định giải quyết vụ án hành chính đúng không?
- Bậc thuế môn bài năm 2025 mới nhất như thế nào? Hạn chót nộp thuế môn bài năm 2025 là khi nào?
- Cán bộ, công chức, viên chức không áp dụng Nghị định 178/2024 chính sách khi sắp xếp bộ máy từ 1 1 2025 gồm những ai?
- Chính thức dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo Thông tư 29/2024 đúng không?
- Hướng dẫn hồ sơ hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu theo Thông tư 80? Tải về tài liệu hồ sơ hoàn thuế?