Chồng nhận con riêng có cần nhận được sự đồng ý từ vợ không? Quy trình đăng ký nhận con riêng được thực hiện theo mấy bước?
- Chồng nhận con riêng có cần nhận được sự đồng ý từ vợ không?
- Căn cứ xác định quan hệ cha con được pháp luật quy định như thế nào?
- Quy trình đăng ký nhận con riêng được thực hiện theo mấy bước theo quy định hiện nay?
- Sau khi nhận con riêng người chồng có được quyền thêm con vào hộ khẩu gia đình không?
Chồng nhận con riêng có cần nhận được sự đồng ý từ vợ không?
Căn cứ Điều 91 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
Quyền nhận con
1. Cha, mẹ có quyền nhận con, kể cả trong trường hợp con đã chết.
2. Trong trường hợp người đang có vợ, chồng mà nhận con thì việc nhận con không cần phải có sự đồng ý của người kia.
Chiếu theo quy định này thì khi chồng nhận con riêng sẽ không cần có sự đồng ý của vợ.
Chồng nhận con riêng có cần nhận được sự đồng ý từ vợ không? Quy trình đăng ký nhận con riêng được thực hiện theo mấy bước? (hình từ Internet)
Căn cứ xác định quan hệ cha con được pháp luật quy định như thế nào?
Tại Điều 14 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định về chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con như sau:
Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con
Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:
1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
2. Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều này thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.
Như vậy, để xác định quan hệ huyết thống giữa chồng và con riêng có thể dựa vào văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con.
Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con theo quy định trên thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định.
Lưu ý: Trong quá trình lập văn bản cam đoan phải có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.
Quy trình đăng ký nhận con riêng được thực hiện theo mấy bước theo quy định hiện nay?
Tại Điều 25 Luật Hộ tịch 2014 có quy định như sau:
Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con
1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.
Đối chiếu với quy định này thì quy trình nhận con riêng được thực hiện theo 02 bước:
Bước 1: Người nhận con riêng nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.
Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận con riêng là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.
Sau khi nhận con riêng người chồng có được quyền thêm con vào hộ khẩu gia đình không?
Tại Điều 10 Luật Cư trú 2020 quy định như sau:
Quyền, nghĩa vụ của chủ hộ và thành viên hộ gia đình về cư trú
1. Những người cùng ở tại một chỗ ở hợp pháp và có quan hệ gia đình là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột thì có thể đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú theo hộ gia đình.
2. Người không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này nếu có đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp theo quy định của Luật này thì được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú vào cùng một hộ gia đình.
Đồng thời tại Điều 20 Luật Cư trú 2020 có quy định về điều kiện đăng ký thường trú như sau:
Điều kiện đăng ký thường trú
1. Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó.
2. Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau đây:
a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;
Như vậy, trường hợp người chồng sau khi nhận con riêng mà muốn thêm con vào hộ khẩu thì cần đáp ứng một trong những điều kiện sau:
- Người con riêng đã ở cùng người cha tại nơi đăng ký thường trú trước khi nhập hộ khẩu;
- Người con đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp theo quy định;
Lưu ý: trong trường hợp chủ hộ gia đình là người vợ thì khi nhập khẩu cho con riêng của chồng cần được sự đồng ý của người vợ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 11 tháng 1 là ngày gì? Ngày 11 tháng 1 âm lịch bao nhiêu, thứ mấy? Ngày 11 tháng 1 cung gì? Có được nghỉ làm vào ngày này?
- HMPV là gì? HMPV có phải là căn nguyên virus gây viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn không?
- Lỗi sử dụng điện thoại khi đi xe máy 2025 phạt bao nhiêu tiền? Sử dụng điện thoại khi đi xe máy 2025 trừ bao nhiêu điểm?
- Toàn bộ chế độ nghỉ hưu trước tuổi năm 2025 có gì đáng chú ý? Tải Nghị định 178 nghỉ hưu trước tuổi khi sắp xếp bộ máy?
- Có được miễn trừ khai báo hóa chất đối với hóa chất là tiền chất ma túy, tiền chất thuốc nổ hay không?