Chủ nguồn thải có phải lập hồ sơ đăng ký để được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại hay không?
- Chủ nguồn thải có phải lập hồ sơ đăng ký để được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại hay không?
- Có được chuyển giao tiếp chất thải nguy hại cho bên thứ ba để xử lý trong trường hợp có hợp đồng liên kết, chuyển giao chất thải nguy hại hay không?
- Hành vi chuyển giao tiếp chất thải nguy hại cho bên thứ ba để xử lý sẽ bị xử phạt như thế nào?
Chủ nguồn thải có phải lập hồ sơ đăng ký để được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại hay không?
Chủ nguồn thải có phải lập hồ sơ đăng ký để được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại hay không? (Hình từ Internet)
Theo Điều 71 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại
Trách nhiệm chính của chủ nguồn thải chất thải nguy hại được quy định tại khoản 1 Điều 83 Luật Bảo vệ môi trường. Một số nội dung quy định cụ thể như sau:
1. Phân định, phân loại, lưu giữ chất thải nguy hại:
a) Tự chịu trách nhiệm về việc phân định, phân loại, xác định lượng chất thải nguy hại phải khai báo và quản lý;
b) Có khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại; lưu giữ chất thải nguy hại trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
c) Chỉ được lưu giữ chất thải nguy hại không quá 01 năm, kể từ thời điểm phát sinh. Trường hợp lưu giữ quá thời hạn nêu trên do chưa có phương án vận chuyển, xử lý khả thi hoặc chưa tìm được cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại phù hợp thì phải báo cáo định kỳ hằng năm về việc lưu giữ chất thải nguy hại tại cơ sở phát sinh với cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh bằng văn bản riêng hoặc kết hợp trong báo cáo môi trường định kỳ.
2. Đối với dự án đầu tư, cơ sở thuộc nhóm I, nhóm II, nhóm III quy định tại các Phụ lục III, IV và V ban hành kèm theo Nghị định này có phát sinh chất thải nguy hại với tổng khối lượng từ 1.200 kg/năm trở lên hoặc từ 100 kg/tháng trở lên trong quá trình vận hành thì phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường theo quy định tại Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường.
3. Tự xử lý chất thải nguy hại tại cơ sở phát sinh hoặc ký hợp đồng để chuyển giao chất thải nguy hại cho cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý nguy hại phù hợp.
4. Phối hợp với chủ cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại để lập chứng từ chất thải nguy hại khi chuyển giao chất thải nguy hại theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sau thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chuyển giao chất thải nguy hại, nếu không nhận được hai liên cuối cùng của chứng từ chất thải nguy hại mà không có lý do hợp lý bằng văn bản từ tổ chức, cá nhân tiếp nhận chất thải nguy hại thì chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải báo cáo cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp chuyển giao chất thải y tế nguy hại để xử lý theo mô hình cụm thì sử dụng biên bản bàn giao thay cho chứng từ chất thải nguy hại.
Theo đó, căn cứ quy định trên thì hiện nay chủ nguồn thải không phải thực hiện thủ tục đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại với Sở Tài nguyên và Môi trường để được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại.
Có được chuyển giao tiếp chất thải nguy hại cho bên thứ ba để xử lý trong trường hợp có hợp đồng liên kết, chuyển giao chất thải nguy hại hay không?
Theo Điều 73 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Yêu cầu về liên kết, chuyển giao chất thải nguy hại không có trong giấy phép môi trường
1. Khi 02 tổ chức, cá nhân có giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần được cấp quy định tại khoản 1 Điều 70 Nghị định này có nhu cầu liên kết trong đó một bên chỉ thực hiện việc vận chuyển chất thải nguy hại và chuyển giao trách nhiệm xử lý cho bên còn lại thì bên chuyển giao hoặc tiếp nhận phải gửi văn bản đề nghị kèm theo hợp đồng liên kết đến cơ quan cấp giấy phép môi trường để được xem xét, chấp thuận trước khi thực hiện. Thời hạn cơ quan cấp giấy phép môi trường trả lời bằng văn bản là 15 ngày.
2. Bên nhận chuyển giao chất thải nguy hại để xử lý theo hợp đồng liên kết quy định tại khoản 1 Điều này phải trực tiếp xử lý chất thải nguy hại, không được chuyển giao tiếp chất thải nguy hại cho bên thứ ba để xử lý. Bên nhận chuyển giao chất thải nguy hại từ chủ nguồn thải trong trường hợp có hợp đồng liên kết xử lý chất thải nguy hại theo quy định tại khoản 1 Điều này phải xử lý được ít nhất một loại chất thải nguy hại đã tiếp nhận và phải được sự đồng ý bằng văn bản của chủ nguồn thải hoặc có hợp đồng ba bên về việc liên kết thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại.
Theo đó, căn cứ quy định trên thì bên nhận chuyển giao chất thải nguy hại để xử lý theo hợp đồng liên kết, chuyển giao chất thải nguy hại phải trực tiếp xử lý chất thải nguy hại, không được chuyển giao tiếp chất thải nguy hại cho bên thứ ba để xử lý.
Hành vi chuyển giao tiếp chất thải nguy hại cho bên thứ ba để xử lý sẽ bị xử phạt như thế nào?
Theo khoản 6 Điều 31 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động xử lý chất thải nguy hại và thực hiện giấy phép môi trường về xử lý chất thải nguy hại
...
6. Hành vi chuyển giao, cho, bán chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân không có giấy phép môi trường phù hợp hoặc mua, tiếp nhận chất thải nguy hại từ các tổ chức, cá nhân khi không có chức năng xử lý chất thải nguy hại theo quy định hoặc chuyển giao chất thải nguy hại cho bên thứ ba để xử lý trong trường hợp có hợp đồng liên kết thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, mua, tiếp nhận dưới 100 kg chất thải nguy hại;
b) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, mua, tiếp nhận từ 100 kg đến dưới 600 kg chất thải nguy hại;
c) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, mua, tiếp nhận từ 600 kg đến dưới 1.000 kg chất thải nguy hại;
d) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, mua, tiếp nhận từ 1.000 kg đến dưới 2.000 kg chất thải nguy hại;
đ) Phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, mua, tiếp nhận từ 2.000 kg đến dưới 3.000 kg chất thải nguy hại;
e) Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 190.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, mua, tiếp nhận từ 3.000 kg đến dưới 4.000 kg chất thải nguy hại;
g) Phạt tiền từ 190.000.000 đồng đến 220.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, mua, tiếp nhận từ 4.000 kg đến dưới 5.000 kg chất thải nguy hại;
h) Phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, mua, tiếp nhận từ 5.000 kg chất thải nguy hại trở lên.
Theo đó, căn cứ vào số kg chất thải nguy hại được chuyển giao cho bên thứ ba để xử lý trong trường hợp có hợp đồng liên kết thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng.
Lưu ý rằng: Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm trên là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. (theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 45/2022/NĐ-CP).
Ngoài ra còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm trên đó là:
- Về hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép môi trường của cơ sở xử lý chất thải nguy hại từ 03 tháng đến 06 tháng (tại điểm b khoản 8 Điều 31 Nghị định 45/2022/NĐ-CP).
- Về biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị có chức năng xử lý (tại điểm d khoản 9 Điều 31 Nghị định 45/2022/NĐ-CP).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chủ đầu tư xây dựng có phải là người sở hữu vốn, vay vốn không? Trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc của chủ đầu tư?
- Mẫu Báo cáo tổng kết cuối năm của công ty mới nhất? Tải về Mẫu Báo cáo tổng kết cuối năm ở đâu?
- Tải về mẫu bảng chi tiêu gia đình hàng tháng? Thu nhập một tháng bao nhiêu được coi là gia đình thuộc hộ nghèo?
- Thông tư 12 2024 sửa đổi Thông tư 02 2022 quy định đến ngành đào tạo trình độ đại học thạc sĩ tiến sĩ?
- Khi xảy ra sự kiện gì công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường? Nội dung công bố thông tin định kỳ là gì?