Chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên có thể kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc công ty không?
Chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên có thể kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc công ty không?
Quy định về Tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu được quy định tại Điều 82 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
Giám đốc, Tổng giám đốc
1. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty bổ nhiệm hoặc thuê Giám đốc hoặc Tổng giám đốc với nhiệm kỳ không quá 05 năm để điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc chịu trách nhiệm trước pháp luật và Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên khác của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, trừ trường hợp pháp luật, Điều lệ công ty có quy định khác.
...
Bên cạnh đó, cơ cấu tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu được quy định tại Điều 85 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
Cơ cấu tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu
1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu có Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
2. Chủ sở hữu công ty là Chủ tịch công ty và có thể kiêm hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
3. Quyền, nghĩa vụ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc được quy định tại Điều lệ công ty và hợp đồng lao động.
Theo quy định trên, đối với công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu thì Tổng giám đốc sẽ do Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty bổ nhiệm hoặc thuê, chủ sở hữu công ty không thể kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc.
Đối với công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu thì Chủ sở hữu công ty có thể kiêm hoặc thuê người khác làm Tổng giám đốc.
Công ty TNHH một thành viên (Hình từ Internet)
Tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu có những trách nhiệm gì?
Theo Điều 83 Luật Doanh nghiệp 2020 thì Tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu có những trách nhiệm sau:
(1) Tuân thủ pháp luật, Điều lệ công ty, quyết định của chủ sở hữu công ty trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao.
(2) Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty và chủ sở hữu công ty.
(3) Trung thành với lợi ích của công ty và chủ sở hữu công ty; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
(4) Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho chủ sở hữu công ty về doanh nghiệp mà mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối và doanh nghiệp mà người có liên quan của mình làm chủ, cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng cổ phần, phần vốn góp chi phối. Thông báo phải được lưu giữ tại trụ sở chính của công ty.
(5) Trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.
Chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên có quyền bãi nhiệm Tổng giám đốc công ty không?
Quyền của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên được quy định tại Điều 76 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
Quyền của chủ sở hữu công ty
1. Chủ sở hữu công ty là tổ chức có quyền sau đây:
a) Quyết định nội dung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;
b) Quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty;
c) Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý công ty, bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý, Kiểm soát viên của công ty;
d) Quyết định dự án đầu tư phát triển;
đ) Quyết định các giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ;
e) Thông qua hợp đồng vay, cho vay, bán tài sản và các hợp đồng khác do Điều lệ công ty quy định có giá trị từ 50% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty;
g) Thông qua báo cáo tài chính của công ty;
h) Quyết định tăng vốn điều lệ của công ty; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác; quyết định phát hành trái phiếu;
i) Quyết định thành lập công ty con, góp vốn vào công ty khác;
k) Tổ chức giám sát và đánh giá hoạt động kinh doanh của công ty;
l) Quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty;
m) Quyết định tổ chức lại, giải thể và yêu cầu phá sản công ty;
n) Thu hồi toàn bộ giá trị tài sản của công ty sau khi công ty hoàn thành giải thể hoặc phá sản;
o) Quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.
2. Chủ sở hữu công ty là cá nhân có quyền quy định tại các điểm a, h, l, m, n và o khoản 1 Điều này; quyết định đầu tư, kinh doanh và quản trị nội bộ công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.
Như vậy, một trong những quyền của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên là quyết định cơ cấu tổ chức quản lý công ty, bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý, Kiểm soát viên của công ty.
Do đó, chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên có quyền bãi nhiệm Tổng giám đốc công ty (người quản lý của công ty).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu biên bản kiểm phiếu bầu cử trong Đảng là mẫu nào? Tải về Mẫu biên bản kiểm phiếu bầu cử trong Đảng?
- Mẫu biên bản ký kết thi đua dùng cho Chi bộ? Sinh hoạt chi bộ thường kỳ gồm có những nội dung gì?
- Báo cáo nghiên cứu khả thi và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng có gì khác không?
- Thời hạn cho vay nội bộ trong hợp tác xã là bao lâu? Quy định về cho vay nội bộ trong Điều lệ hợp tác xã gồm nội dung gì?
- Cách viết ý kiến nhận xét chi ủy nơi cư trú đối với đảng viên dự bị? Thời gian làm Đảng viên dự bị là bao lâu?