Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ được quyền áp dụng những biện pháp nào để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình?
Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm những quyền nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 và điểm a,b,d khoản 1 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022), quyền sở hữu trí tuệ được hiểu là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm:
(1) Quyền tác giả: là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Quyền này phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
(2) Quyền liên quan đến quyền tác giả: là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả.
(3) Quyền sở hữu công nghiệp: là quyền của tổ chức, cá nhân đối với:
- Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu (Được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên);
Lưu ý: Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.
- Tên thương mại (Được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó);
- Chỉ dẫn địa lý (Quyền này được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên);
- Bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu (Được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó);
- Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh (được xác lập trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh).
(4) Quyền đối với giống cây trồng: quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.
Quyền này được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm những quyền nào? (Hình từ Internet)
Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ được quyền áp dụng những biện pháp nào để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình?
Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ.
Theo quy định tại Điều 9 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì tổ chức, cá nhân có quyền áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình và có trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác.
Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ là ngăn ngừa các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra trên thực tế mà còn là việc xử lý, giải quyết khi có xâm phạm nhằm chấm dứt hành vi xâm phạm và bồi thường thiệt hại.
Để chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có thể tự bảo vệ quyền của mình, pháp luật cho phép họ được áp dụng một số biện pháp tự bảo vệ.
Các biện pháp tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại khoản 1 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi điểm a khoản 76 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022) như sau:
Thứ nhất, áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Theo đó, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có thể đưa các thông tin chỉ dẫn về căn cứ phát sinh, văn bằng bảo hộ, chủ sở hữu, phạm vi, thời hạn bảo hộ và các thông tin khác về quyền sở hữu trí tuệ lên sản phẩm, phương tiện dịch vụ, bản gốc và bản sao tác phẩm, bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng...nhằm thông báo rằng sản phẩm này là đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ đang được bảo hộ và khuyến cáo người khác không được xâm phạm;
Hoặc chủ thể quyền sở hữu trí tuệ cũng có thể sử dụng phương tiện hoặc các biện pháp kỹ thuật nhằm đánh dấu, nhận biết, phân biệt, bảo vệ sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Thứ hai, yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại.
Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ khi thấy tổ chức, cá nhân nào đó có hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ của mình có quyền yêu cầu người đó ngừng thực hiện hành vi xâm phạm, gỡ bỏ, đính chính thông tin,... Trường hợp việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra thiệt hại cho chủ thể thì được quyền yêu cầu họ bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, khi thực hiện các quyền này, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ cũng cần lưu ý là phải chứng minh được hành vi thực tế của tổ chức, cá nhân xâm phạm đến quyền của mình.
Lưu ý: Việc yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm nêu trên do chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện bằng cách thông báo bằng văn bản cho người xâm phạm.
Trong văn bản thông báo phải có các thông tin: chỉ dẫn về căn cứ phát sinh, Văn bằng bảo hộ, phạm vi, thời hạn bảo hộ và phải ấn định một thời hạn hợp lý để người xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm.
Thứ ba, yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Khi yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải làm đơn gửi đến cơ quan có thẩm quyền kèm theo đó là các tài liệu, chứng cứ để chứng minh yêu cầu của mình.
Thứ tư, khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Trường hợp không gửi đơn yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm thì chủ thể quyền sở hữu trí tuệ cũng có thể trực tiếp khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Nếu lựa chọn hình thức khởi kiện thì chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng một số biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được pháp luật quy định thế nào?
Theo Điều 199 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về biện pháp xử lý hành vi xâm phạm như sau:
(1) Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.
(2) Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu bản nhận xét đánh giá cán bộ 3 năm gần nhất? Cách viết bản nhận xét đánh giá cán bộ 3 năm gần nhất chi tiết?
- Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng bao gồm các thông tin nào về dự án đầu tư xây dựng?
- Đu trend nhìn lên bầu trời sẽ thấy vì tinh tú có bị xử phạt hành chính không? Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
- Công trình xây dựng là gì? Xây dựng công trình không tuân thủ tiêu chuẩn là hành vi vi phạm pháp luật trong xây dựng?
- Điều lệ Đảng là gì? 06 nội dung cơ bản của nguyên tắc tập trung dân chủ tại Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam?