Chủ tịch hội đồng trọng tài lao động do ai bổ nhiệm? Công chức thuộc tòa án nhân dân có thể trở thành trọng tài viên lao động không?
- Chủ tịch hội đồng trọng tài lao động do ai bổ nhiệm?
- Số lượng tối thiểu trọng tài viên của hội đồng trọng tài gồm bao nhiêu người?
- Công chức thuộc tòa án nhân dân có thể trở thành trọng tài viên lao động không?
- Khi giải quyết tranh chấp một trong các bên vắng mặt có đề nghị thay đổi thời gian họp thì ban trọng tài lao động có được tiến hành phiên họp không?
Chủ tịch hội đồng trọng tài lao động do ai bổ nhiệm?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 185 Bộ luật Lao động 2019 quy định về hội đồng trọng tài lao động như sau:
Hội đồng trọng tài lao động
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng trọng tài lao động, bổ nhiệm Chủ tịch, thư ký và các trọng tài viên lao động của Hội đồng trọng tài lao động. Nhiệm kỳ của Hội đồng trọng tài lao động là 05 năm.
Theo đó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập và bổ nhiệm Chủ tịch hội đồng trọng tài lao động.
Chủ tịch hội đồng trọng tài viên (hình từ internet)
Số lượng tối thiểu trọng tài viên của hội đồng trọng tài gồm bao nhiêu người?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 185 Bộ luật Lao động 2019 quy định về hội đồng trọng tài lao động như sau:
Hội đồng trọng tài lao động
2. Số lượng trọng tài viên lao động của Hội đồng trọng tài lao động do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, ít nhất là 15 người, bao gồm số lượng ngang nhau do các bên đề cử, cụ thể như sau:
a) Tối thiểu 05 thành viên do cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề cử, trong đó có Chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo và thư ký Hội đồng là công chức của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Tối thiểu 05 thành viên do công đoàn cấp tỉnh đề cử;
c) Tối thiểu 05 thành viên do các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh thống nhất đề cử.
Theo đó số lượng trọng tài viên tối thiểu của hội đồng trọng tài viên phải có 15 người được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức đại diện của người sử dụng lao động và công đoàn cấp tỉnh đề cử.
Công chức thuộc tòa án nhân dân có thể trở thành trọng tài viên lao động không?
Căn cứ Điều 98 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về tiêu chuẩn, điều kiện trọng tài viên lao động như sau:
Tiêu chuẩn, điều kiện trọng tài viên lao động
1. Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự, có sức khỏe và phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, công tâm.
2. Có trình độ đại học trở lên, hiểu biết pháp luật và có ít nhất 05 năm làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến quan hệ lao động.
3. Không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang chấp hành bản án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.
4. Được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Liên đoàn Lao động cấp tỉnh hoặc tổ chức đại diện người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh đề cử làm trọng tài viên lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 185 của Bộ luật Lao động.
5. Không phải là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, công chức thuộc Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án.
Theo đó công chức thuộc Tòa án nhân dân không thể trở thành trọng tài viên lao động theo khoản 5 điều này. Ngoài ra để trở thành trọng tài viên phải đáp ứng các điều kiện nêu trên.
Khi giải quyết tranh chấp một trong các bên vắng mặt có đề nghị thay đổi thời gian họp thì ban trọng tài lao động có được tiến hành phiên họp không?
Căn cứ theo khoản 5 Điều 102 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về việc thành lập và hoạt động của Ban trọng tài lao động như sau:
Thành lập và hoạt động của Ban trọng tài lao động
…
5. Trình tự tiến hành tổ chức cuộc họp giải quyết tranh chấp lao động theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều này được thực hiện như sau:
a) Ít nhất 05 ngày trước khi tổ chức cuộc họp, Ban trọng tài lao động phải có văn bản triệu tập tham gia cuộc họp gửi tới các bên tranh chấp, trong đó ghi rõ thời gian, địa điểm tổ chức cuộc họp;
b) Khi nhận được văn bản triệu tập, các bên tranh chấp phải phản hồi cho Ban trọng tài lao động về việc tham gia phiên họp. Trường hợp một trong các bên có lý do chính đáng, không thể tham dự cuộc họp theo thời gian, địa điểm triệu tập thì có thể đề nghị Ban trọng tài lao động thay đổi thời gian tổ chức phiên họp vào thời điểm thích hợp. Ban trọng tài lao động có thẩm quyền quyết định cuối cùng việc thay đổi thời gian tiến hành cuộc họp và thông báo cho các bên;
c) Tại cuộc họp giải quyết tranh chấp lao động phải có mặt đại diện các bên tranh chấp hoặc người được ủy quyền theo quy định. Trường hợp một trong các bên vắng mặt, kể cả trường hợp có đề nghị thay đổi thời gian họp nhưng không được chấp thuận thì Ban trọng tài lao động vẫn tiến hành phiên họp;
d) Trong phiên họp, Ban trọng tài lao động phải nêu rõ nội dung các bên đề nghị giải quyết, nghe các bên trình bày cụ thể về nội dung vụ việc và ghi thành biên bản, có chữ ký của từng trọng tài viên lao động và các bên tranh chấp tham gia phiên họp.
Theo đó ban trọng tài lao động sẽ thông báo trước 05 ngày trước khi họp, các bên có thể đề nghị thay đổi thời gian họp nhưng quyết định vẫn là của Ban trọng tài lao động vậy nên mặc dù các bên vắng mặt có đề nghị thay đổi thời gian họp nhưng Ban trọng tài lao động không đồng ý thì cuộc họp vẫn tiếp tục diễn ra.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lĩnh vực nông nghiệp của hợp tác xã gồm những ngành nào? Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp được phân loại như thế nào?
- Thuế có phải là một khoản nộp bắt buộc? Trách nhiệm của người nộp thuế trong việc nộp tiền thuế là gì?
- Hợp tác xã có phải đối tượng được Nhà nước hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hay không?
- Hệ thống thông tin về hoạt động xây dựng được xây dựng để làm gì? Thông tin trong hệ thống thông tin về hoạt động xây dựng được điều chỉnh khi nào?
- Viên chức lý lịch tư pháp hạng I, hạng II, hạng III có nhiệm vụ và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ thế nào?