Chủ tịch UBND có được ủy quyền cho Phó chủ tịch UBND ký các quyết định thuộc thẩm quyền của mình không?
Chủ tịch UBND có được ủy quyền cho Phó chủ tịch UBND ký các quyết định thuộc thẩm quyền của mình không?
Căn cứ theo Điều 13 Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư có đưa ra quy định:
Ký ban hành văn bản
1. Cơ quan, tổ chức làm việc theo chế độ thủ trưởng
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ký tất cả văn bản do cơ quan, tổ chức ban hành; có thể giao cấp phó ký thay các văn bản thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách và một số văn bản thuộc thẩm quyền của người đứng đầu. Trường hợp cấp phó được giao phụ trách, điều hành thì thực hiện ký như cấp phó ký thay cấp trưởng.
2. Cơ quan, tổ chức làm việc theo chế độ tập thể
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức thay mặt tập thể lãnh đạo ký các văn bản của cơ quan, tổ chức. Cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức được thay mặt tập thể, ký thay người đứng đầu cơ quan, tổ chức những văn bản theo ủy quyền của người đứng đầu và những văn bản thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.
3. Trong trường hợp đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của mình ký thừa ủy quyền một số văn bản mà mình phải ký. Việc giao ký thừa ủy quyền phải được thực hiện bằng văn bản, giới hạn thời gian và nội dung được ủy quyền. Người được ký thừa ủy quyền không được ủy quyền lại cho người khác ký. Văn bản ký thừa ủy quyền được thực hiện theo thể thức và đóng dấu hoặc ký số của cơ quan, tổ chức ủy quyền.
4. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể giao người đứng đầu đơn vị thuộc cơ quan, tổ chức ký thừa lệnh một số loại văn bản. Người được ký thừa lệnh được giao lại cho cấp phó ký thay. Việc giao ký thừa lệnh phải được quy định cụ thể trong quy chế làm việc hoặc quy chế công tác văn thư của cơ quan, tổ chức.
5. Người ký văn bản phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản do mình ký ban hành. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ văn bản do cơ quan, tổ chức ban hành.
6. Đối với văn bản giấy, khi ký văn bản dùng bút có mực màu xanh, không dùng các loại mực dễ phai.
7. Đối với văn bản điện tử, người có thẩm quyền thực hiện ký số. Vị trí, hình ảnh chữ ký số theo quy định tại Phụ lục I Nghị định này.
Như vậy:
- Chủ tịch UBND cấp huyện có thể giao cho cấp phó (Phó chủ tịch UBND) ký thay các văn bản thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách và một số văn bản thuộc thẩm quyền của mình. Trường hợp phó chủ tịch UBND cấp huyện được giao phụ trách, điều hành thì thực hiện ký như cấp phó ký thay cấp trưởng.
- Chủ tịch UBND cấp huyện thay mặt UBND ký các văn bản của UBND cấp huyện. Phó chủ tịch UBND cấp huyện được thay mặt tập thể, ký thay chủ tịch những văn bản theo ủy quyền của chủ tịch và những văn bản thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.
- Trong trường hợp đặc biệt, Chủ tịch UBND cấp huyện có thể ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của mình ký thừa ủy quyền một số văn bản mà mình phải ký.
Việc giao ký thừa ủy quyền phải được thực hiện bằng văn bản, giới hạn thời gian và nội dung được ủy quyền. Người được ký thừa ủy quyền không được ủy quyền lại cho người khác ký.
Văn bản ký thừa ủy quyền được thực hiện theo thể thức và đóng dấu hoặc ký số của cơ quan, tổ chức ủy quyền.
Phó Chủ tịch UBND (Hình từ Internet)
Một UBND ở nông thôn thì có tối đa bao nhiêu Phó chủ tịch UBND?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 08/2016/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 69/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Số lượng tối đa Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân ở các đơn vị hành chính
1. Đối với đơn vị hành chính ở nông thôn
a) Tỉnh loại I có không quá 04 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; tỉnh loại II, loại III có không quá 03 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân;
b) Huyện loại I có không quá 03 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; huyện loại II, loại III có không quá 02 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân;
c) Xã loại I, loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; xã loại III có 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
...
Theo đó, một UBND ở nông thôn thì có tối đa bao nhiêu Phó chủ tịch UBND thì còn tùy thuộc và UBND xã, huyện, tỉnh đó thuộc loại nào.
Một UBND ở đô thị thì có tối đa bao nhiêu Phó chủ tịch UBND?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 08/2016/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 69/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Số lượng tối đa Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân ở các đơn vị hành chính
...
2. Đối với đơn vị hành chính ở đô thị
a) Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có không quá 05 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; thành phố trực thuộc trung ương còn lại có không quá 04 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân;
b) Quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại I có không quá 03 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại II, loại III có không quá 02 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân;
c) Phường, thị trấn loại I, loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; phường, thị trấn loại III có 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
Theo đó, tương tự như ở nông thôn thì một UBND ở đô thị có tối đa bao nhiêu Phó chủ tịch UBND cũng phải căn cứ vào UBND đó thuộc thành phố, quận (đơn vị hành chính tương đương quận), phường (đơn vị hành chính tương đương phường) là loại nào để xác định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Báo cáo nghiên cứu khả thi và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng có gì khác không?
- Thời hạn cho vay nội bộ trong hợp tác xã là bao lâu? Quy định về cho vay nội bộ trong Điều lệ hợp tác xã gồm nội dung gì?
- Cách viết ý kiến nhận xét chi ủy nơi cư trú đối với đảng viên dự bị? Thời gian làm Đảng viên dự bị là bao lâu?
- Mẫu báo cáo thành tích đề nghị khen thưởng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu 5 năm liền?
- Mẫu Bản khai đăng ký tên định danh dùng trong quảng cáo bằng tin nhắn, gọi điện thoại là mẫu nào? Tên định danh có bao nhiêu ký tự?