Chưa đủ 18 tuổi có phá thai được không? Việc em tới phá thai trái phép ở các phòng khám 'chui' có vi phạm pháp luật hình sự không?
Chưa đủ 18 tuổi có được phá thai không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015, người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi. Và cũng theo quy định tại tại khoản 1 Điều 47 Bộ luật Dân sự 2015, người chưa thành niên sẽ có người giám hộ đương nhiên, cụ thể:
"Điều 47. Người được giám hộ
1. Người được giám hộ bao gồm:
a) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;
b) Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;
c) Người mất năng lực hành vi dân sự;
d) Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi."
Như vậy, theo quy định của pháp luật hình sự, nếu trên 18 tuổi, bạn đã có quyền công dân, có đầy đủ nhận thức về hành vi của mình và phải chịu trách nhiệm về các hành vi đó, bạn hoàn toàn có thể tự đi phá thai một mình. Đối với trường hợp của bạn, vì chưa đủ 18 tuổi thì việc phá thai cần phải có sự đồng ý của người giám hộ. Phá thai có những rủi ro và tai biến, mặc dù tỉ lệ rất thấp vì vậy nên đi phá thai cùng một người thân thiết để bạn có thể yên tâm hơn và được hỗ trợ khi cần thiết.
Người phá thai trái phép có vi phạm pháp luật hình sự không?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh dân số năm 2003 được hướng dẫn bởi khoản 3 Điều 10 Nghị định 104/2003/NĐ-CP:
“Loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác” là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Ngoài ra, theo phần 8 về Phá thai an toàn tại Quyết định 4128/QĐ-BYT ban hành 2016 phê duyệt tài liệu Hướng dẫn quốc gia về dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành thì tất cả các hành vi phá thai trên 22 tuần đều là vi phạm pháp luật.
Căn cứ theo những quy định trên , mọi hành vi phá thai trên 22 tuần tuổi, phá thai do lựa chọn giới tính thai nhi đều bị nghiêm cấm. Pháp luật chỉ cho phép từ 22 tuần tuổi trở xuống và đáp ứng đầy đủ điều kiện về sức khỏe, kỹ thuật, trang thiết bị...theo quy định tại Quyết định 4128/QĐ-BYT năm 2016.
Tuy nhiên, pháp luật hình sự hiện nay chỉ có truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện việc phá thai trái phép cho người khác mà không có quy định nào truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phá thai trái phép. Như vậy có thể thấy theo pháp luật Việt Nam hiện nay, phá thai là một quyền của người phụ nữ. Người phụ nữ có thể phá thai theo ý muốn của bản thân. Nhưng nếu việc phá thai đó xuất phát từ ý chí và hành vi nhằm mục đích lựa chọn giới tính của thai nhi và phá thai dưới 22 tuần tuổi thì hành vi đó sẽ bị nghiêm cấm. Và người thực hiện hành vi đó và những người có liên quan có thể sẽ phải chịu những chế tài xử phạt của pháp luật.
Vì vậy, nếu bạn dự định đến phòng khám phá thai thì bạn sẽ không được xem là vi phạm pháp luật hình sự.
Phá thai trái phép bị xử lý như thế nào?
- Về xử phạt hành chính:
Hiện nay chỉ có quy định về xử phạt hành chính đối với người phá thai vì lựa chọn giới tính; người đe dọa, ép buộc phá thai vì lựa chọn giới tính; người phá thai mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính (bác sỹ, y sỹ tiến hành,…) sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 100 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính của người mang thai mà không bị ép buộc phải loại bỏ thai nhi.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi dụ dỗ, lôi kéo người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
- Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi dùng vũ lực để ép buộc người mang thai phải loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
- Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+Cung cấp hóa chất, thuốc để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính;
+ Chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng hóa chất, thuốc hoặc các biện pháp khác để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi phá thai mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
- Hình thức xử phạt bổ sung:
+ Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 5 Điều này;
+ Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 6 Điều này;
+ Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với cơ sở có hoạt động dược không vì mục đích thương mại trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 5 Điều này.
- Về trách nhiệm hình sự:
Như đã đề cập đến ở phần trên, hiện nay pháp luật hình sự hiện hành chưa có quy định xử phạt đối với người phá thai trái phép, chỉ có quy định đối với người thực hiện phá thai trái phép cho người khác. Theo đó, người phá thai trái phép cho người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội phá thai trái phép” được quy định tại Điều 316 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) :
“1. Người nào thực hiện việc phá thai trái phép cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.”.
Như vậy, trong trường hợp bạn dự định đến một phòng khám “chui”, không rõ lai lịch để phá thai, nếu xảy ra tình huống không may tổn hại đến sức khỏe, tổn thương cơ thế theo tỷ lệ mà pháp luật quy định thì người đã thực hiện phá thai trái phép cho bạn sẽ chịu trách nhiệm hình sự.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?