Chức năng, nhiệm vụ của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch? Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch chi cho những hoạt động nào để phát triển du lịch Việt Nam?
Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch có chức năng, nhiệm vụ gì trong phát triển du lịch Việt Nam?
Nhiệm vụ của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch (Hình từ Internet)
Theo khoản 1 Điều 1 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch ban hành kèm theo Quyết định 49/2018/QĐ-TTg, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đại diện chủ sở hữu.
Điều 2 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch ban hành kèm theo Quyết định 49/2018/QĐ-TTg quy định về chức năng, nhiệm vụ của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch như sau:
Chức năng, nhiệm vụ của Quỹ
1. Xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí tổ chức triển khai hoạt động xúc tiến du lịch và hỗ trợ các hoạt động phát triển du lịch theo quy định của Luật Du lịch, phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam.
2. Quản lý, sử dụng các nguồn ngân sách nhà nước cấp, các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, các nguồn hợp pháp khác để triển khai các hoạt động của Quỹ.
3. Có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đánh giá các nhiệm vụ do Quỹ bố trí kinh phí.
4. Thực hiện chế độ báo cáo, quản lý tài chính, kế toán, kiểm toán và các quy định liên quan đến hoạt động của Quỹ.
5. Chịu sự thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
6. Các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch có một số nhiệm vụ, quyền hạn trong phát triển du lịch Việt Nam như sau:
- Xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí tổ chức triển khai hoạt động xúc tiến du lịch và hỗ trợ các hoạt động phát triển du lịch;
- Quản lý, sử dụng các nguồn ngân sách nhà nước cấp, các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, các nguồn hợp pháp khác để triển khai các hoạt động của Quỹ, …
Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch chi cho những hoạt động nào để phát triển du lịch Việt Nam?
Theo Điều 11 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch ban hành kèm theo Quyết định 49/2018/QĐ-TTg, các khoản chi phí phải chi phát sinh trong kỳ cần thiết cho hoạt động của Quỹ có thể kể đến, bao gồm:
(1) Chi hoạt động nghiệp vụ:
* Bố trí kinh phí xúc tiến, quảng bá du lịch
- Tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam:
+ Tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam ở nước ngoài;
+ Tham dự hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài;
+ Phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch liên quốc gia, khu vực và quốc tế;
+ Quảng bá du lịch Việt Nam trên các phương tiện quảng cáo, truyền thông, tại các sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội quan trọng của Việt Nam; tổ chức hội nghị, hội thảo, họp báo và các sự kiện xúc tiến du lịch Việt Nam ở trong nước và nước ngoài;
+ Tổ chức khảo sát sản phẩm du lịch, điểm đến Việt Nam cho các hãng lữ hành, vận tải, báo chí trong nước và nước ngoài tìm hiểu thông tin, tuyên truyền, giới thiệu về du lịch Việt Nam;
+ Tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch liên vùng, liên địa phương.
- Phát triển marketing điện tử phục vụ xúc tiến, quảng bá du lịch:
+ Hỗ trợ việc xây dựng và duy trì cổng thông tin quảng bá và giao dịch điện tử trong lĩnh vực du lịch;
+ Xây dựng cơ sở dữ liệu, ấn phẩm điện tử; phát triển các ứng dụng cho thiết bị di động thông minh;
+ Quảng bá du lịch trên các trang mạng xã hội và các ứng dụng tìm kiếm.
- Tổ chức sản xuất ấn phẩm, vật phẩm phục vụ xúc tiến, quảng bá du lịch;
- Xây dựng, phát triển, truyền thông thương hiệu du lịch Việt Nam.
* Hỗ trợ các hoạt động phát triển du lịch khác:
- Hỗ trợ nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm du lịch;
- Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch;
- Hỗ trợ hoạt động truyền thông du lịch trong cộng đồng.
(2) Chi từ hoạt động tài chính:
Các khoản chi liên quan đến hoạt động gửi tiền tại các ngân hàng thương mại và các chi phí hoạt động tài chính khác theo quy định tại Điều lệ này.
(3) Chi cho cán bộ, nhân viên:
- Chi phí tiền lương và chi phí có tính chất lương phải trả cho cán bộ, nhân viên của Quỹ theo quy định của pháp luật;
- Trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp;
- Chi cho công tác y tế; các chi phí cho lao động nữ theo quy định hiện hành; chi bảo hộ lao động, chi trang phục giao dịch.
(4) Chi phí quản lý của Quỹ:
- Chi khấu hao tài sản cố định theo quy định của pháp luật; thuê tài sản cố định; chi mua bảo hiểm tài sản; chi sửa chữa, bảo dưỡng tài sản; chi thuê, mua công cụ, dụng cụ lao động, tài sản, thiết bị, văn phòng phẩm phục vụ hoạt động của Quỹ; chi bù đắp tổn thất tài sản theo quy định;
- Chi phí dịch vụ mua ngoài: Tiền điện, nước, điện thoại, bưu chính viễn thông; kiểm toán, dịch vụ pháp lý; chi trả tiền sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế, các dịch vụ kỹ thuật; chi phí vận chuyển; phòng cháy chữa cháy;
- Chi công tác phí, chi phụ cấp tàu xe cho cán bộ và nhân viên của Quỹ đi công tác trong nước và nước ngoài;
- Chi phí giao dịch, đối ngoại, chi phí hội nghị, lễ tân, khánh tiết theo quy định của pháp luật;
- Chi phí liên quan đến thẩm định hồ sơ đề xuất hỗ trợ các hoạt động phát triển du lịch;
- Các khoản chi phí khác theo quy định của pháp luật.
Việt Nam có những chính sách phát triển du lịch nào hiện nay?
Các chính sách phát triển du lịch Việt Nam được quy định tại Điều 5 Luật Du lịch 2017, trong đó có thể kể đến một số chính sách như sau:
- Huy động mọi nguồn lực cho phát triển du lịch để bảo đảm du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch được hưởng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất khi Nhà nước ban hành, áp dụng các chính sách về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư.
- Nhà nước ưu tiên bố trí kinh phí cho các hoạt động sau đây:
+ Điều tra, đánh giá, bảo vệ, tôn tạo, phát triển giá trị tài nguyên du lịch;
+ Lập quy hoạch về du lịch;
+ Xúc tiến du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia, địa phương;
+ Xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch.
- Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các hoạt động sau đây:
+ Đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ du lịch chất lượng cao;
+ Nghiên cứu, định hướng phát triển sản phẩm du lịch;
+ Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch;
+ Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới có tác động tích cực tới môi trường, thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa và sản phẩm du lịch đặc thù khác;
+ Ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại phục vụ quản lý và phát triển du lịch;
+ Phát triển du lịch tại nơi có tiềm năng du lịch; sử dụng nhân lực du lịch tại địa phương;
+ Đầu tư hình thành khu dịch vụ du lịch phức hợp, có quy mô lớn; hệ thống cửa hàng miễn thuế, trung tâm mua sắm phục vụ khách du lịch.
- Tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, cư trú, thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, hải quan, hoàn thuế giá trị gia tăng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp khác cho khách du lịch.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán khi biểu quyết về quyết định giải quyết vụ án hành chính đúng không?
- Bậc thuế môn bài năm 2025 mới nhất như thế nào? Hạn chót nộp thuế môn bài năm 2025 là khi nào?
- Cán bộ, công chức, viên chức không áp dụng Nghị định 178/2024 chính sách khi sắp xếp bộ máy từ 1 1 2025 gồm những ai?
- Chính thức dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo Thông tư 29/2024 đúng không?
- Hướng dẫn hồ sơ hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu theo Thông tư 80? Tải về tài liệu hồ sơ hoàn thuế?