Có bắt buộc áp dụng biện pháp bảo đảm khi quỹ tín dụng nhân dân cho Tổng giám đốc của quỹ tín dụng nhân dân vay?
Quỹ tín dụng nhân dân được cho Tổng giám đốc của quỹ tín dụng nhân dân vay hay không?
Căn cứ tại khoản 7 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 thì cho vay là hình thức cấp tín dụng thông qua việc bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định, trong một thời gian nhất định, theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi theo thỏa thuận cho bên cho vay.
Tiếp đó, căn cứ theo khoản 1 và khoản 2 Điều 134 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định như sau:
Những trường hợp không được cấp tín dụng
1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng đối với tổ chức, cá nhân sau đây:
a) Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng đó; Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) của chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó; pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần; pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn;
...
2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với quỹ tín dụng nhân dân và trường hợp cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng cho cá nhân.
...
Theo quy định tại khoản 1 nêu trên thì tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho Tổng giám đốc của tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, tại khoản 2 lại quy định trường hợp không được cấp tín dụng nêu trên không áp dụng đối với quỹ tín dụng nhân dân và trường hợp cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng cho cá nhân.
Theo đó, có thể kết luận quỹ tín dụng nhân dân vẫn được cho Tổng giám đốc của quỹ tín dụng nhân dân vay.
Quỹ tín dụng nhân dân được cho Tổng giám đốc của quỹ tín dụng nhân dân vay hay không? (hình từ internet)
Có bắt buộc có biện pháp bảo đảm khi quỹ tín dụng nhân dân cho Tổng giám đốc của quỹ tín dụng nhân dân vay?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 135 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định về việc hạn chế cấp tín dụng của tổ chức tín dụng như sau:
Hạn chế cấp tín dụng
1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho tổ chức, cá nhân sau đây:
a) Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó; người ra quyết định thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, người giám sát hoạt động đoàn thanh tra đang thanh tra tại chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó;
b) Kế toán trưởng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó; Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng quản trị, Trưởng ban, thành viên khác của Ban kiểm soát, Giám đốc, Phó giám đốc của quỹ tín dụng nhân dân đó;
c) Cổ đông lớn, cổ đông sáng lập của tổ chức tín dụng đó;
d) Doanh nghiệp có một trong những đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 134 của Luật này sở hữu trên 10% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó;
...
2. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với các đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều này không được vượt quá 05% vốn tự có của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
...
Theo quy định nêu trên, quỹ tín dụng nhân dân không được cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng quản trị, Trưởng ban, thành viên khác của Ban kiểm soát, Giám đốc, Phó giám đốc của quỹ tín dụng nhân dân đó.
Như vậy, bắt buộc áp dụng biện pháp bảo đảm khi quỹ tín dụng nhân dân cho Tổng giám đốc của quỹ tín dụng nhân dân vay, đồng thời việc cho vay không được có bất kỳ ưu đãi nào.
Lưu ý: Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với Tổng giám đốc và các đối tượng hạn chế cấp tín dụng khác của quỹ tín dụng nhân dân không được vượt quá 05% vốn tự có của quỹ tín dụng nhân dân.
Tổng mức dư nợ cấp tín dụng tối đa đối với một khách hàng của quỹ tín dụng nhân dân là bao nhiêu?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 136 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 thì tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng của quỹ tín dụng nhân dân không được được vượt quá tỷ lệ sau đây:
- Từ ngày Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực thi hành (tức ngày 01/07/2024) đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2026: 14% vốn tự có đối với một khách hàng;
- Từ ngày 01 tháng 01 năm 2026 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2027: 13% vốn tự có đối với một khách hàng;
- Từ ngày 01 tháng 01 năm 2027 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2028: 12% vốn tự có đối với một khách hàng;
- Từ ngày 01 tháng 01 năm 2028 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2029: 11% vốn tự có đối với một khách hàng;
- Từ ngày 01 tháng 01 năm 2029: 10% vốn tự có đối với một khách hàng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Bản khai đăng ký tên định danh dùng trong quảng cáo bằng tin nhắn, gọi điện thoại là mẫu nào? Tên định danh có bao nhiêu ký tự?
- Hà Nội dành hơn 567 tỷ đồng tặng hơn 1,1 triệu suất quà cho đối tượng chính sách, hộ nghèo dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025?
- Thỏa thuận trọng tài được lập trước hay sau khi xảy ra tranh chấp? Thỏa thuận trọng tài qua email có hiệu lực hay không?
- Ngày 10 tháng 12 là ngày gì? Ngày 10 tháng 12 năm nay là ngày bao nhiêu âm lịch? Có phải là ngày nghỉ lễ của người lao động?
- Chậm thực hiện nghĩa vụ là gì? Lãi suất phát sinh do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền được xác định như thế nào?