Có bắt buộc hợp đồng cung ứng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải đăng ký tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội không?
Hợp đồng cung ứng lao động là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 19 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định về hợp đồng cung ứng lao động như sau:
"Điều 19. Hợp đồng cung ứng lao động
1. Hợp đồng cung ứng lao động là văn bản thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam với bên nước ngoài tiếp nhận lao động về điều kiện, quyền, nghĩa vụ của mỗi bên trong việc cung ứng và tiếp nhận người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài."
Hợp đồng cung ứng lao động bao gồm những nội dung gì?
Căn cứ khoản 2 Điều 19 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định hợp đồng cung ứng lao động phải phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận lao động và có những nội dung sau đây:
- Thời hạn của hợp đồng;
- Số lượng người lao động; ngành, nghề, công việc phải làm; độ tuổi của người lao động;
- Nước tiếp nhận lao động;
- Địa điểm làm việc nếu hợp đồng ký với người sử dụng lao động ở nước ngoài;
- Điều kiện, môi trường làm việc;
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
- An toàn, vệ sinh lao động;
- Tiền lương, tiền công, chế độ khác và tiền thưởng (nếu có); tiền làm thêm giờ; các khoản khấu trừ từ lương theo quy định của nước tiếp nhận lao động;
- Điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, đi lại từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại;
- Chế độ khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản;
- Chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Điều kiện chấm dứt hợp đồng của người lao động trước thời hạn và trách nhiệm bồi thường thiệt hại;
- Tiền dịch vụ được bên nước ngoài tiếp nhận lao động chi trả (nếu có);
- Trách nhiệm trả chi phí đi lại từ Việt Nam đến nơi làm việc và ngược lại;
- Trách nhiệm của các bên khi người lao động gặp rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài;
- Trách nhiệm của các bên trong việc giải quyết vấn đề phát sinh đối với người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài;
- Cơ chế, thủ tục và pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp;
- Thỏa thuận khác không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Bên cạnh đó, Điều 4 Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH có quy định nội dung chi tiết của hợp đồng cung ứng lao động theo thị trường, ngành, nghề, công việc được quy định như sau:
- Đối với các ngành, nghề, công việc tại thị trường Nhật Bản quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH.
- Đối với các ngành, nghề, công việc tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc) quy định tại Phụ lục III kèm ban hành kèm theo Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH.
- Đối với các ngành, nghề, công việc tại thị trường Hàn Quốc quy định tại Phụ lục IV kèm ban hành kèm theo Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH.
- Đối với các ngành, nghề, công việc tại thị trường Tây Á, Trung Á và Châu Phi quy định tại Phụ lục V kèm ban hành kèm theo Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH.
- Đối với các ngành, nghề, công việc tại thị trường Châu Âu và Châu Đại Dương phải quy định tại Phụ lục VI kèm ban hành kèm theo Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH.
- Đối với các ngành, nghề, công việc tại thị trường Châu Mỹ quy định tại Phụ lục VII kèm ban hành kèm theo Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH.
- Đối với các ngành, nghề, công việc tại thị trường Trung Quốc, Ma Cao (Trung Quốc) và Đông Nam Á quy định tại Phụ lục VIII kèm ban hành kèm theo Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH.
- Đối với công việc lao động trên biển quốc tế quy định tại Phụ lục IX kèm ban hành kèm theo Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH.
Hợp đồng cung ứng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
Có bắt buộc hợp đồng cung ứng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải đăng ký tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội không?
Căn cứ Điều 20 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định về đăng ký hợp đồng cung ứng lao động như sau:
- Doanh nghiệp dịch vụ đăng ký hợp đồng cung ứng lao động và chỉ được thực hiện sau khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản chấp thuận.
- Hồ sơ đăng ký hợp đồng cung ứng lao động bao gồm:
+ Văn bản đăng ký hợp đồng cung ứng lao động;
+ Bản sao của hợp đồng cung ứng lao động kèm theo bản dịch tiếng Việt được chứng thực;
+ Tài liệu chứng minh việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với pháp luật của nước tiếp nhận lao động.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp dịch vụ, trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do; trường hợp cần phải thẩm định ở nước ngoài thì phải thông báo cho doanh nghiệp dịch vụ trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả thẩm định.
- Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định mẫu văn bản, tài liệu quy định tại điểm a và điểm c khoản 2 Điều này.
Như vậy, hợp đồng cung ứng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải đăng ký tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì mới được thực hiện.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bài tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh sinh viên Việt Nam 9 1 2025? Bài tuyên truyền ngày học sinh sinh viên?
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?