Cơ cấu tổ chức quản lý của tổ chức tài chính vi mô gồm những thành phần nào? Tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể đối với thành viên của những thành phần nêu trên?
Cơ cấu tổ chức quản lý của tổ chức tài chính vi mô gồm những thành phần nào?
Cơ cấu tổ chức quản lý của tổ chức tài chính vi mô
Điều 18 Thông tư 03/2018/TT-NHNN quy định về cơ cấu tổ chức quản lý như sau:
- Tổ chức tài chính vi mô phải có cơ cấu tổ chức, bộ máy quản trị, điều hành, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro, hệ thống kiểm soát nội bộ phù hợp với loại hình hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Cơ cấu tổ chức quản lý của tổ chức tài chính vi mô bao gồm Hội đồng thành viên, Ban Kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc).
Như vậy, cơ cấu tổ chức quản lý của tổ chức tài chính vi mô gồm Hội đồng thành viên, Ban Kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc)
Tiêu chuẩn, điều kiện đối với vị trí Tổng Giám đốc của tổ chức tài chính vi mô là gì?
Tiêu chuẩn, điều kiện đối với Tổng Giám đốc (Giám đốc) quy định tại Điều 22 Thông tư 03/2018/TT-NHNN:
Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tài chính vi mô phải có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:
(1) Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung).
(2) Có bằng đại học trở lên về một trong các chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, ngân hàng, quản trị kinh doanh, luật.
(3) Có ít nhất 02 (hai) năm kinh nghiệm làm người điều hành của tổ chức tín dụng hoặc ít nhất 02 (hai) năm làm Tổng Giám đốc (Giám đốc) doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng mức vốn pháp định của tổ chức tài chính vi mô theo quy định của pháp luật hoặc hoặc có ít nhất 03 (ba) năm kinh nghiệm làm việc ở vị trí quản lý trong lĩnh vực tài chính vi mô hoặc có ít nhất 05 (năm) năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán.
(4) Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng ở khung phạt tiền cao nhất đối với hành vi vi phạm quy định về giấy phép, quản trị, điều hành, cổ phần, cổ phiếu, góp vốn, mua cổ phần, cấp tín dụng, mua trái phiếu doanh nghiệp, tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng trong thời gian 24 (hai mươi tư) tháng liền kề trước thời điểm được bổ nhiệm.
(5) Cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm.
Như vậy, Tổng Giám đốc của tổ chức tài chính vi mô cần phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện nêu trên.
Pháp luật quy định như thế nào về tiêu chuẩn, điều kiện của Hội đồng thành viên?
(1) Tiêu chuẩn, điều kiện đối với Chủ tịch, thành viên Hội đồng thành viên được quy định tại Điều 20 Thông tư 03/2018/TT-NHNN:
- Thành viên Hội đồng thành viên tổ chức tài chính vi mô phải có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:
+ Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung);
+ Có thời gian công tác ở một trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, ngân hàng, luật từ 02 (hai) năm trở lên và có bằng đại học trở lên;
+ Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng ở khung phạt tiền cao nhất đối với hành vi vi phạm quy định về giấy phép, quản trị, điều hành, cổ phần, cổ phiếu, góp vốn, mua cổ phần, cấp tín dụng, mua trái phiếu doanh nghiệp, tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng trong thời gian 24 (hai mươi tư) tháng liền kề trước thời điểm được bầu.
- Chủ tịch Hội đồng thành viên phải có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
+ Đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;
+ Đã từng giữ chức vụ quản lý hoặc điều hành ở một đơn vị thuộc một trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính theo Điều lệ hoặc văn bản tương đương của đơn vị đó hoặc lãnh đạo cấp phòng hoặc chức danh tương đương trở lên theo quy định của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội từ 02 (hai) năm trở lên hoặc có kinh nghiệm quản lý, điều hành tổ chức có hoạt động tài chính vi mô từ 03 (ba) năm trở lên.
Ngoài ra, Hội đồng thành viên phải thành lập Ủy ban quản lý rủi ro, Ủy ban nhân sự và ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của hai ủy ban này.
Điều 19 Thông tư 03/2018/TT-NHNN quy định về Ủy ban quản lý rủi ro và Ủy ban nhân sự như sau:
(1) Hội đồng thành viên phải thành lập Ủy ban quản lý rủi ro, Ủy ban nhân sự và ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của hai ủy ban này. Trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày ban hành, tổ chức tài chính vi mô phải gửi các quy định nội bộ này cho Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng).
(2) Cơ cấu tổ chức của hai Ủy ban do Hội đồng thành viên quyết định nhưng mỗi Ủy ban phải có tối thiểu hai thành viên, Trưởng ban là thành viên Hội đồng thành viên. Một thành viên Hội đồng thành viên chỉ được là Trưởng ban của một Ủy ban. Trưởng ban và các thành viên khác của hai Ủy ban do Hội đồng thành viên bổ nhiệm, miễn nhiệm theo Điều lệ của tổ chức tài chính vi mô.
(3) Quy chế tổ chức và hoạt động của các Ủy ban tối thiểu gồm các nội dung sau đây:
- Quy chế làm việc:
+ Số lượng thành viên của Ủy ban và trách nhiệm của từng thành viên;
+ Các kỳ họp định kỳ của Ủy ban;
+ Việc họp bất thường của Ủy ban;
+ Việc đưa ra quyết định của Ủy ban;
- Nhiệm vụ, chức năng của các Ủy ban:
+ Đối với Ủy ban quản lý rủi ro:
++ Tham mưu cho Hội đồng thành viên trong việc ban hành các quy trình, chính sách thuộc thẩm quyền của Ủy ban liên quan đến quản trị rủi ro trong hoạt động tổ chức tài chính vi mô theo quy định của pháp luật và Điều lệ của tổ chức tài chính vi mô;
++ Phân tích, đưa ra những cảnh báo về mức độ an toàn của tổ chức tài chính vi mô trước những nguy cơ, tiềm ẩn rủi ro có thể ảnh hưởng và biện pháp phòng ngừa đối với các rủi ro này trong ngắn hạn, dài hạn;
++ Xem xét, đánh giá tính phù hợp và hiệu quả của các quy trình, chính sách quản trị rủi ro hiện hành của tổ chức tài chính vi mô để đưa các khuyến nghị, đề xuất đối với Hội đồng thành viên về những yêu cầu cần thay đổi quy trình, chính sách hiện hành, chiến lược hoạt động;
+ Đối với Ủy ban nhân sự:
++ Tham mưu cho Hội đồng thành viên về quy mô và cơ cấu Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) phù hợp với quy mô hoạt động và chiến lược phát triển của tổ chức tài chính vi mô;
++ Tham mưu cho Hội đồng thành viên xử lý các vấn đề về nhân sự phát sinh liên quan đến các thủ tục bầu, bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm các chức danh thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát và Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tài chính vi mô theo đúng quy định của pháp luật và Điều lệ của tổ chức tài chính vi mô;
++ Nghiên cứu, tham mưu cho Hội đồng thành viên trong việc ban hành các quy định nội bộ của tổ chức tài chính vi mô thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên về chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng, quy chế tuyển chọn nhân sự, đào tạo và các chính sách đãi ngộ khác đối với người điều hành, cán bộ, nhân viên của tổ chức tài chính vi mô.
Như vậy, cơ cấu tổ chức quản lý của tổ chức tài chính vi mô nói chung và tiêu chuẩn, điều kiện đối với những thành phần cụ thể như Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc được quy định cụ thể tại pháp luật về hoạt động của tổ chức tài chính vi mô và các văn bản khác có liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?