Có được đổi tiền đô lì xì tết không? Nếu không thì khi ngân hàng cho khách hàng đổi tiền đô lì xì tết sẽ bị xử phạt như thế nào?
Có được đổi tiền đô lì xì tết không?
Đổi tiền đô được hiểu là việc dùng tiền VNĐ để mua đô USD.
Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 20/2011/TT-NHNN về đối tượng áp dụng như sau:
Đối tượng áp dụng
1. Cá nhân là công dân Việt Nam được mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu của bản thân và trẻ em chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ, bao gồm tiền ăn, tiền tiêu vặt, tiền đi lại ở nước ngoài liên quan đến các mục đích sau:
a) Học tập, chữa bệnh ở nước ngoài;
b) Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài.
2. Đối với các mục đích hợp pháp khác quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Ngoại hối, cá nhân có thể mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép tùy theo khả năng cân đối nguồn ngoại tệ tiền mặt của tổ chức tín dụng.
3. Cá nhân là người nước ngoài có nguồn thu hợp pháp bằng đồng Việt Nam được mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép phù hợp với các quy định hiện hành về quản lý ngoại hối.
4. Cá nhân bán ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép và Đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép theo quy định hiện hành về quản lý ngoại hối.
Theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 70/2014/NĐ-CP (thay thế khoản 2 Điều 8 Nghị định 160/2006/NĐ-CP đã hết hiệu lực từ 05/9/2014) quy định về chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài như sau:
Chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài
...
2. Người cư trú là công dân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho các mục đích sau:
a) Học tập, chữa bệnh ở nước ngoài;
b) Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài;
c) Trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài;
d) Trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài;
đ) Chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài;
e) Chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài;
g) Chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác.
...
Theo như các quy định trên thì công dân Việt Nam được mua ngoại tệ (bao gồm cả đô la USD) nếu thuộc những trường hợp trên. Việc đổi tiền đô lì xì tết không thuộc những trường hợp được phép mua đô.
Đổi tiền đô lì xì tết (Hình từ Internet)
Ngân hàng cho khách hàng đổi tiền đô lì xì tết sẽ bị xử phạt thế nào?
Theo như phân tích ở trên thì khách hàng đổi tiền đô lì xì tết là không được (không thuộc trường hợp được mua ngoại tệ), cho nên nếu như ngân hàng cho khách hàng đổi tiền đô lì xi tết là không đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối như sau:
Vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối
...
7. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
...
b) Thực hiện giao dịch ngoại tệ giữa tổ chức tín dụng với nhau, giữa tổ chức tín dụng với khách hàng không đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 8 Điều này;
...
Theo điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền như sau:
Hình thức xử phạt, mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả
...
3. Mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền:
...
b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân;
...
Theo đó, ngân hàng cho khách hàng đổi tiền đô lì xì tết sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng. Đối với cá nhân đổi tiền đô lì xì tết thì cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xử phạt ngân hàng đổi tiền đô lì xì tết cho khách không?
Theo Điều 54 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 35 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như sau:
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 10.000.000 đồng.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định này.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định này.
Theo đó, mức phạt tối đa đối với ngân hàng có hành vi đổi tiền đô lì xì tết tại ngân hàng (thực hiện giao dịch ngoại tệ giữa tổ chức tín dụng với khách hàng không đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước) là 400.000.000 đồng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xử phạt đến 1 tỷ đồng, cho nên trường hợp này sẽ có thẩm quyền xử phạt ngân hàng vi phạm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công ty thông tin tín dụng thành lập thì tên công ty có cần phải thêm cụm từ thông tin tín dụng không?
- Ép buộc người lao động làm việc có được xem là cưỡng bức lao động theo quy định Bộ luật Lao động?
- Xây dựng bảng giá đất đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất như thế nào?
- Phân loại quy mô hợp tác xã có xét tiêu chí số lượng thành viên chính thức của hợp tác xã không?
- Phần mềm đóng gói là gì? Quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp phần mềm?