Có được kê biên nhà ở trên quyền sử dụng đất của người khác không? Khi nào được quyền kê biên nhà ở đang tranh chấp?
Có được kê biên nhà ở trên quyền sử dụng đất của người khác không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 95 Luật Thi hành án dân sự 2008 về kê biên nhà ở như sau:
Kê biên nhà ở
1. Việc kê biên nhà ở là nơi ở duy nhất của người phải thi hành án và gia đình chỉ được thực hiện sau khi xác định người đó không có các tài sản khác hoặc có nhưng không đủ để thi hành án, trừ trường hợp người phải thi hành án đồng ý kê biên nhà ở để thi hành án.
2. Khi kê biên nhà ở phải kê biên cả quyền sử dụng đất gắn liền với nhà ở. Trường hợp nhà ở gắn liền với đất thuộc quyền sử dụng của người khác thì Chấp hành viên chỉ kê biên nhà ở và quyền sử dụng đất để thi hành án nếu người có quyền sử dụng đất đồng ý. Trường hợp người có quyền sử dụng đất không đồng ý thì chỉ kê biên nhà ở của người phải thi hành án, nếu việc tách rời nhà ở và đất không làm giảm đáng kể giá trị căn nhà.
3. Khi kê biên nhà ở của người phải thi hành án đang cho thuê, cho ở nhờ thì Chấp hành viên phải thông báo ngay cho người đang thuê, đang ở nhờ biết.
Trường hợp tài sản kê biên là nhà ở, cửa hàng đang cho thuê được bán đấu giá mà thời hạn thuê hoặc thời hạn lưu cư vẫn còn thì người thuê có quyền tiếp tục được thuê hoặc lưu cư theo quy định của Bộ luật dân sự.
4. Việc kê biên nhà ở bị khoá được thực hiện theo quy định tại Điều 93 của Luật này.
Theo quy định thì khi kê biên nhà ở phải kê biên cả quyền sử dụng đất gắn liền với nhà ở.
Trong trường hợp kê biên nhà ở trên quyền sử dụng đất của người khác (không phải là người phải thi hành án) chỉ được tiến hành khi thuộc các trường hợp sau:
- Người có quyền sử dụng đất đồng ý kê biên quyền sử dụng đất.
- Chỉ kê biên nhà ở nhưng không làm giảm đáng kể giá trị căn nhà.
Lưu ý: Việc kê biên nhà ở là nơi ở duy nhất của người phải thi hành án và gia đình chỉ được thực hiện sau khi xác định người đó không có các tài sản khác hoặc có nhưng không đủ để thi hành án hoặc người phải thi hành án đồng ý kê biên nhà ở để thi hành án.
Có được kê biên nhà ở trên quyền sử dụng đất của người khác không? Khi nào được quyền kê biên nhà ở đang tranh chấp? (Hình từ Internet)
Khi nào được quyền kê biên nhà ở đang tranh chấp?
Căn cứ theo quy định tại điều 75 Luật Thi hành án dân sự 2008 được sửa đổi bởi khoản 32 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 như sau:
Giải quyết tranh chấp, yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án
1. Trường hợp tài sản của người phải thi hành án bị cưỡng chế để thi hành án mà có người khác tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp về quyền của họ được khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà đương sự, người có tranh chấp khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì việc xử lý tài sản được thực hiện theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà đương sự, người có tranh chấp không khởi kiện tại Tòa án hoặc không đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì Chấp hành viên xử lý tài sản để thi hành án theo quy định của Luật này.
...
Như vậy, đối với nhà ở đang tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho người có tranh chấp để khởi kiện tại Tòa án hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn 30 ngày.
Trong trường hợp hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo hợp lệ mà người có tranh chấp không tiến hành khởi kiện hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì Chấp hành viên tiến hành xử lý kê biên nhà ở đó để thi hành án.
Không được phép kê biên những loại tài sản nào để bảo đảm thi hành án?
Căn cứ theo quy định tại Điều 87 Luật Thi hành án dân sự 2008, các loại tài sản không được kê biên bảo đảm thi hành án gồm:
- Tài sản bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật; tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng;
- Tài sản do ngân sách nhà nước cấp cho cơ quan, tổ chức.
- Tài sản sau đây của người phải thi hành án là cá nhân:
+ Số lương thực đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người phải thi hành án và gia đình trong thời gian chưa có thu nhập, thu hoạch mới;
+ Số thuốc cần dùng để phòng, chữa bệnh của người phải thi hành án và gia đình;
+ Vật dụng cần thiết của người tàn tật, vật dụng dùng để chăm sóc người ốm;
+ Đồ dùng thờ cúng thông thường theo tập quán ở địa phương;
+ Công cụ lao động cần thiết, có giá trị không lớn được dùng làm phương tiện sinh sống chủ yếu hoặc duy nhất của người phải thi hành án và gia đình;
+ Đồ dùng sinh hoạt cần thiết cho người phải thi hành án và gia đình.
- Tài sản sau đây của người phải thi hành án là doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ:
+ Số thuốc phục vụ việc phòng, chữa bệnh cho người lao động; lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn cho người lao động;
+ Nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này, nếu không phải là tài sản để kinh doanh;
+ Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tổng hợp cách tra cứu phạt nguội toàn quốc 2025 nhanh chóng? Cách kiểm tra phạt nguội online toàn quốc chi tiết thế nào?
- Bản tự đánh giá xếp loại hạnh kiểm của học sinh cuối kì 1 năm học 2024 2025? Viết bản tự xếp loại hạnh kiểm học sinh cuối kì 1?
- Quyền hưởng dụng là gì? Có được cho thuê quyền hưởng dụng không? Có được hưởng giá trị hoa lợi, lợi tức khi quyền hưởng dụng chấm dứt không?
- Mẫu biên bản thỏa thuận bảo đảm an toàn cho hộ liền kề khi xây dựng nhà ở mới nhất là mẫu nào? Tải về?
- Kế hoạch bảo trì công trình xây dựng là gì? Mẫu kế hoạch bảo trì công trình xây dựng hằng năm mới nhất?