Có được sa thải người lao động không đạt KPI? Trừ lương người lao động không đạt KPI có đúng luật?
KPI có phải công cụ đánh giá hiệu quả công việc của người lao động?
KPI là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Key Performance Indicator, có nghĩa là Chỉ số đo lường hiệu quả công việc.
KPI là công cụ đo lường, đánh giá hiệu quả hoạt động của một người lao động, đội nhóm, phòng ban, hay của cả một doanh nghiệp. KPI thường được thể hiện qua các giá trị định lượng, số liệu cụ thể.
Hiện nay pháp luật về lao động như Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản liên quan vẫn chưa có quy định hay định nghĩa cụ thể về KPI.
- Đối với một cá nhân: Số lượng khách hàng mới được ký hợp đồng mỗi tháng, doanh số bán hàng mỗi quý, tỷ lệ hoàn thành công việc đúng hạn,...
- Đối với một đội nhóm: Doanh thu của nhóm mỗi tháng, số lượng dự án hoàn thành đúng hạn, tỷ lệ khách hàng hài lòng,...
- Đối với một phòng ban: Tỷ lệ sản phẩm lỗi, số lượng khiếu nại của khách hàng, thời gian xử lý yêu cầu của khách hàng,...
- Đối với một doanh nghiệp: Doanh thu hàng năm, lợi nhuận ròng, tỷ lệ thị phần, giá trị thương hiệu,...
Nhờ KPI, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có thể xác định được điểm mạnh và điểm yếu trong hoạt động của mình để từ đó đưa ra các biện pháp cải thiện.
Ngoài ra, KPI còn là công cụ hữu ích để khuyến khích người lao động nỗ lực hoàn thành tốt công việc. Khi người lao động biết được mình sẽ được đánh giá dựa trên những tiêu chí nào, họ sẽ có xu hướng tập trung hơn vào việc hoàn thành tốt những tiêu chí đó.
Có được sa thải người lao động không đạt KPI? (Hình từ Internet)
Công ty có được sa thải người lao động không đạt KPI hay không?
Sa thải là một trong những hình thức xử lý kỷ luật lao động theo quy định tại khoản 4 Điều 124 Bộ luật Lao động 2019.
Căn cứ quy định tại Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 về các trường hợp được áp dụng hình thức kỷ luật sa thải đối với người lao động như sau:
Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải
Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau đây:
1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;
2. Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;
3. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật. Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 126 của Bộ luật này;
4. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.
Trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.
Đồng thời theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động có nêu rõ:
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:
a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;
...
Như vậy, công ty không được sa thải người lao động chỉ với lý do họ không đạt KPI đã đặt ra.
Tuy nhiên trong trường hợp KPI chính là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người lao động, đã được công ty tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động (nếu có) và ghi nhận vào quy chế công ty thì khi người lao động thường xuyên không đạt KPI, công ty hoàn toàn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.
Lưu ý: Việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ nêu trên chỉ đúng luật khi người lao động không làm đúng công việc theo HĐLĐ đã ký kết.
Công ty trừ lương người lao động không đạt KPI có đúng luật hay không?
Khấu trừ lương không phải là một hình thức xử lý kỷ luật người lao động theo quy định tại Điều 124 Bộ luật Lao động 2019.
Đồng thời tại khoản 1 Điều 102 Bộ luật Lao động 2019, khấu trừ tiền lương chỉ được áp dụng trong trường hợp sau đây:
Khấu trừ tiền lương
1. Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Lao động 2019.
...
Theo quy định trên, công ty chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại khi họ làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của công ty.
Do đó, việc công ty trừ lương người lao động không đạt KPI là trái quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin không được sử dụng thông tin nào trên môi trường mạng?
- Mẫu biên bản bàn giao công nợ mới nhất hiện nay là mẫu nào? Tải về file word biên bản bàn giao công nợ ở đâu?
- Mẫu biên bản kiểm phiếu bầu cử trong Đảng là mẫu nào? Tải về Mẫu biên bản kiểm phiếu bầu cử trong Đảng?
- Mẫu biên bản ký kết thi đua dùng cho Chi bộ? Sinh hoạt chi bộ thường kỳ gồm có những nội dung gì?
- Báo cáo nghiên cứu khả thi và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng có gì khác không?