Có được sử dụng điện để làm phương tiện bảo vệ trực tiếp hay không? Trường hợp nào thì được phép sử dụng?
- Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp là gì? Có được sử dụng điện để làm phương tiện bảo vệ hay không?
- Được sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp trong trường hợp nào?
- Cá nhân sử dụng điện để làm phương tiện bảo vệ trực tiếp trái quy định pháp luật bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào?
Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp là gì? Có được sử dụng điện để làm phương tiện bảo vệ hay không?
Căn cứ Điều 1 Quyết định 07/2006/QĐ-BCN thì việc sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp là dùng nguồn điện có điện áp thích hợp đấu nối trực tiếp vào kết cấu kim loại của hàng rào, vật cản, vật che chắn (sau đây gọi chung là hàng rào điện) để ngăn cản việc xâm phạm khu vực được bảo vệ.
Khi đối tượng cố ý xâm phạm vào khu vực được bảo vệ và tiếp xúc trực tiếp với hàng rào điện sẽ bị điện giật, đồng thời hệ thống bảo vệ phát tín hiệu báo động cho người bảo vệ khu vực đó biết.
Đồng thời, căn cứ Điều 7 Luật Điện lực 2004 quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện như sau:
Các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện
1. Phá hoại các trang thiết bị điện, thiết bị đo đếm điện và công trình điện lực.
2. Hoạt động điện lực không có giấy phép theo quy định của Luật này.
3. Đóng, cắt điện trái quy định của pháp luật.
4. Vi phạm các quy định về an toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và sử dụng điện.
5. Cản trở việc kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện.
6. Trộm cắp điện.
7. Sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ, trừ trường hợp được quy định tại Điều 59 của Luật này.
8. Vi phạm các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, khoảng cách an toàn của đường dây và trạm điện.
...
Như vậy, theo quy định trên việc sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ là hành vi bị cấm, trừ trường hợp sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp quy định tại Điều 59 Luật Điện lực 2004.
Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp là gì? Có được sử dụng điện để làm phương tiện bảo vệ hay không? (Hình từ Internet)
Được sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp trong trường hợp nào?
Căn cứ Điều 59 Luật Điệu lực 2004 (sửa đổi bởi điểm e khoản 1 Điều 2 Luật điện lực sửa đổi 2012) quy định về việc Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp
Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp
1. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp là dùng nguồn điện có mức điện áp thích hợp đấu nối trực tiếp vào hàng rào, vật cản, vật che chắn của khu vực được bảo vệ (sau đây gọi chung là hàng rào điện) để ngăn cản việc xâm phạm khu vực được bảo vệ và phát tín hiệu báo động cho người bảo vệ khu vực đó biết.
2. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp chỉ được thực hiện khi sử dụng các biện pháp bảo vệ khác không hiệu quả và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
3. Hàng rào điện phải được thiết kế, lắp đặt tránh được mọi tiếp xúc ngẫu nhiên đối với người và gia súc, có biển báo nguy hiểm, không gây ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống điện, không gây nguy hiểm cho khu vực lân cận và môi trường sống. Người quản lý, sử dụng hàng rào điện phải được đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ về điện.
4. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình quy định khu vực được phép sử dụng hàng rào điện.
5. Bộ trưởng Bộ Công thương quy định tiêu chuẩn và điều kiện sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp.
Như vậy, chỉ được sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp khi sử dụng các biện pháp bảo vệ khác không hiệu quả và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Cá nhân sử dụng điện để làm phương tiện bảo vệ trực tiếp trái quy định pháp luật bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào?
Căn cứ khoản 5 Điều 15 Nghị định 134/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 18 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP) quy định vi phạm quy định về an toàn điện như sau:
Vi phạm quy định về an toàn điện
...
5. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Đào hố, đóng cọc vào trong hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm;
b) Điều khiển thiết bị, dụng cụ, phương tiện hoặc các hoạt động khác vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp;
c) Tháo gỡ bất kỳ bộ phận nào của lưới điện, nhà máy điện khi không có nhiệm vụ;
d) Tung, ném, bắn, quăng bất cứ vật gì gây hư hỏng các bộ phận của lưới điện, nhà máy điện hoặc gây sự cố lưới điện, nhà máy điện;
đ) Sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ trực tiếp trái quy định của pháp luật;
e) Không ban hành đầy đủ quy trình, nội quy về an toàn điện theo quy định;
...
8. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3; điểm a, điểm c và điểm d khoản 4; các điểm a, b, c, d và đ khoản 5; điểm c khoản 6; điểm a và điểm c khoản 7 Điều này.
...
Như vậy, theo quy định trên, hành vi sử dụng điện để làm phương tiện bảo vệ trực tiếp trái quy định pháp luật có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.
Đồng thời, hình phạt bổ sung kèm theo sẽ là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cách viết ý kiến nhận xét chi ủy nơi cư trú đối với đảng viên dự bị? Thời gian làm Đảng viên dự bị là bao lâu?
- Mẫu báo cáo thành tích đề nghị khen thưởng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu 5 năm liền?
- Mẫu Bản khai đăng ký tên định danh dùng trong quảng cáo bằng tin nhắn, gọi điện thoại là mẫu nào? Tên định danh có bao nhiêu ký tự?
- Hà Nội dành hơn 567 tỷ đồng tặng hơn 1,1 triệu suất quà cho đối tượng chính sách, hộ nghèo dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025?
- Thỏa thuận trọng tài được lập trước hay sau khi xảy ra tranh chấp? Thỏa thuận trọng tài qua email có hiệu lực hay không?