Có mấy cách xác định biên độ bán phá giá? Khi xác định biên độ bán phá giá, Cơ quan điều tra cần xem xét những điều chỉnh nào?
Có mấy cách xác định biên độ bán phá giá?
Cách xác định biên độ bán phá giá được quy định tại Điều 20 Nghị định 10/2018/NĐ-CP như sau:
Phương pháp xác định biên độ bán phá giá
1. Biên độ bán phá giá được xác định dựa trên mức chênh lệch giữa giá thông thường với giá xuất khẩu theo quy định tại Điều 16, Điều 17, Điều 18 và Điều 19 của Nghị định này.
2. Biên độ bán phá giá được xác định theo một trong các cách sau đây:
a) So sánh giữa giá trị bình quân gia quyền của giá thông thường với giá trị bình quân gia quyền của giá xuất khẩu;
b) So sánh giữa giá thông thường với giá xuất khẩu trên cơ sở từng giao dịch;
c) So sánh giữa giá trị bình quân gia quyền của giá thông thường với giá xuất khẩu trên cơ sở từng giao dịch với điều kiện tồn tại sự khác biệt đáng kể của giá xuất khẩu giữa những người mua, khu vực địa lý và thời điểm xuất khẩu.
3. Cơ quan điều tra phải xác định biên độ bán phá giá riêng đối với hàng hóa bị điều tra của từng nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài trong vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, trừ trường hợp được quy định tại khoản 4 Điều này.
4. Trong trường hợp số lượng Bên bị yêu cầu quá lớn hoặc chủng loại hàng hóa bị điều tra quá lớn, Cơ quan điều tra có thể giới hạn phạm vi điều tra bằng phương pháp chọn mẫu được quy định tại Điều 36 của Nghị định này để xác định biên độ bán phá giá.
...
Theo quy định trên thì, biên độ bán phá giá được xác định theo một trong ba cách sau đây:
(1) So sánh giữa giá trị bình quân gia quyền của giá thông thường với giá trị bình quân gia quyền của giá xuất khẩu;
(2) So sánh giữa giá thông thường với giá xuất khẩu trên cơ sở từng giao dịch;
(3) So sánh giữa giá trị bình quân gia quyền của giá thông thường với giá xuất khẩu trên cơ sở từng giao dịch với điều kiện tồn tại sự khác biệt đáng kể của giá xuất khẩu giữa những người mua, khu vực địa lý và thời điểm xuất khẩu.
Có mấy cách xác định biên độ bán phá giá? (Hình từ Internet)
Khi xác định biên độ bán phá giá, Cơ quan điều tra cần xem xét những điều chỉnh nào?
Theo quy định tại Điều 19 Nghị định 10/2018/NĐ-CP thì khi xác định biên độ bán phá giá, Cơ quan điều tra xem xét các điều chỉnh sau đây:
- Điều chỉnh giá thông thường và giá xuất khẩu về cùng một khâu của quá trình lưu thông hàng hóa;
- Điều chỉnh giá thông thường và giá xuất khẩu về cùng thời điểm tính toán hoặc tại các thời điểm tính toán gần nhau nhất;
- Điều chỉnh giá thông thường và giá xuất khẩu khi có những khác biệt về thuế, điều kiện bán hàng, cấp độ thương mại, khối lượng, đặc tính vật lý và các yếu tố khác mà Cơ quan điều tra cho là phù hợp;
- Khi chuyển đổi tiền tệ, Cơ quan điều tra sử dụng tỷ giá hối đoái tại thời điểm bán hàng, trừ trường hợp giao dịch bán hàng xuất khẩu theo hợp đồng kỳ hạn, tỷ giá hối đoái là tỷ giá quy định của hợp đồng kỳ hạn.
Trong trường hợp có sự biến động tỷ giá, Cơ quan điều tra tiến hành điều chỉnh biến động về tỷ giá phù hợp trong thời kỳ điều tra;
- Các điều chỉnh khác mà Cơ quan điều tra thấy phù hợp.
Việc xác định thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước có dựa trên độ lớn của biên độ bán phá giá không?
Việc xác định thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước được quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 10/2018/NĐ-CP như sau:
Xác định thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước
1. Việc xác định thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước dựa trên cơ sở xem xét các yếu tố sau đây:
a) Sự gia tăng tuyệt đối hoặc tương đối của khối lượng, số lượng hàng hóa bị bán phá giá, được trợ cấp nhập khẩu vào Việt Nam so với khối lượng, số lượng hàng hóa tương tự sản xuất trong nước hoặc tiêu dùng trong nước;
b) Tác động ép giá, kìm giá của hàng hóa bị điều tra nhập khẩu vào Việt Nam đối với giá bán của hàng hóa tương tự sản xuất trong nước;
c) Tác động của hàng hóa bị bán phá giá, được trợ cấp đối với tình trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành sản xuất trong nước, bao gồm mức suy giảm thực tế, suy giảm tiềm ẩn của doanh thu, lượng bán hàng, lợi nhuận, sản lượng, thị phần, công suất, năng suất, đầu tư; các yếu tố ảnh hưởng đến giá bán trong nước; độ lớn của biên độ bán phá giá, mức trợ cấp; và ảnh hưởng bất lợi thực tế và tiềm ẩn đối với dòng tiền, tồn kho, lao động, tiền lương, khả năng huy động vốn;
d) Các yếu tố tác động khác.
2. Việc xác định thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước phải dựa trên những chứng cứ cụ thể.
Theo đó, độ lớn của biên độ bán phá giá là một trong những yếu tố để xác định thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?