Có phải mọi trường hợp giấy khai sinh bị mất đều được cấp lại không? Điều kiện xin cấp lại giấy khai sinh bị mất là gì?
Giấy khai sinh là gì?
Căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 và các quy định hướng dẫn liên quan thì giấy khai sinh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh; nội dung Giấy khai sinh bao gồm các thông tin cơ bản về cá nhân sau đây:
- Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch;
- Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú;
- Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.
Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.
Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.
Có phải mọi trường hợp giấy khai sinh bị mất đều được cấp lại? (Hình từ Internet)
Có phải mọi trường hợp giấy khai sinh bị mất đều được cấp lại không? Xin cấp lại giấy khai sinh cần đáp ứng điều kiện gì?
Căn cứ Điều 24 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định cụ thể điều kiện để công dân đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử khi bị mất như sau:
Điều kiện đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử
1. Việc khai sinh, kết hôn, khai tử đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại.
2. Người yêu cầu đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử có trách nhiệm nộp đầy đủ bản sao giấy tờ, tài liệu có nội dung liên quan đến việc đăng ký lại.
3. Việc đăng ký lại khai sinh, kết hôn chỉ được thực hiện nếu người yêu cầu đăng ký còn sống vào thời điểm tiếp nhận hồ sơ.
Theo đó, điều kiện để đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử khi bị mất là:
Thứ nhất là giấy khai sinh đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01/01/2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại.
Thứ hai là người yêu cầu đăng ký lại khai sinh có trách nhiệm nộp đầy đủ bản sao giấy tờ, tài liệu có nội dung liên quan đến việc đăng ký lại.
Thứ ba đăng ký lại khai sinh chỉ được thực hiện nếu người yêu cầu đăng ký còn sống vào thời điểm tiếp nhận hồ sơ.
Như vậy, không phải mọi trường hợp giấy khai sinh bị mất đều sẽ được cấp lại. Việc cấp lại giấy khai sinh chỉ được thực hiện nếu cả sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ đều bị mất. Trường hợp bị mất bản chính giấy khai sinh nhưng vẫn còn sổ hộ tịch thì cũng không được cấp lại.
Theo đó, công dân cần đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên thì mới có thể đăng ký lại khai sinh, trong trường hợp công dân đăng ký, cấp giấy khai sinh từ ngày 01/01/2016 trở đi và bị mất thì sẽ không được đăng ký và cấp lại bản chính giấy khai sinh.
Không đáp ứng điều kiện xin cấp lại giấy khai sinh thì cần làm gì?
Nếu không may bị mất giấy khai sinh bản chính nhưng không đủ điều kiện để đăng ký lại khai sinh hay như đã nêu trên là trường hợp công dân đăng ký, cấp giấy khai sinh từ ngày 01/01/2016 trở đi và bị mất thì lúc này người dân có thể xin cấp trích lục khai sinh để sử dụng thay thế.
Cụ thể, căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, bản sao trích lục giấy khai sinh có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, để xin cấp trích lục giấy khai sinh, bạn cần chuẩn bị các loại giấy tờ sau theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP:
- Đơn xin trích lục giấy khai sinh;
- Giấy tờ tùy thân có ảnh còn giá trị sử dụng như Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu;
- Trường hợp ủy quyền cho người khác thực hiện thì phải có văn bản ủy quyền.
Thủ tục xin cấp trích lục giấy khai sinh thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện (nếu khai sinh có yếu tố nước ngoài).
Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ, nếu thấy hồ sơ đầy đủ và phù hợp, công chức hộ tịch sẽ căn cứ vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch, ghi nội dung bản sao trích lục giấy khai sinh. Đồng thời, báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch ký cấp bản sao trích lục cho người yêu cầu.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu biên bản bàn giao công tác kế toán mới nhất là mẫu nào? Tải về biên bản bàn giao công tác kế toán?
- Vi phạm hành chính về hóa đơn do bị lệ thuộc về vật chất có được xem là tình tiết giảm nhẹ trong lĩnh vực thuế, hóa đơn?
- Mẫu dự toán chi phí quản lý dự án năm mới nhất là mẫu nào? Dự toán chi phí quản lý dự án năm là gì?
- Lợi nhuận của nhà đầu tư trong hoạt động dầu khí là gì? Chuyển nhượng dự án dầu khí ở nước ngoài thì thực hiện nghĩa vụ tài chính tại đâu?
- Vạch xương cá là gì? Vạch xương cá trên đường để làm gì? Đi theo vạch xương cá như thế nào để không bị phạm luật?