Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết ly hôn đơn phương với người nước ngoài (Trung Quốc)? Thủ tục ly hôn đơn phương với người nước ngoài được quy định ra sao?
Ly hôn đơn phương có yếu tố nước ngoài được hiểu như thế nào?
Căn cứ Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định ly hôn có yếu tố nước ngoài như sau:
"Điều 127. Ly hôn có yếu tố nước ngoài
1. Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.
2. Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.
3. Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó."
Như vậy, ly hôn có yếu tố nước ngoài là ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam. Ly hôn đơn phương có yếu tố nước ngoài bản chất là ly hôn có yếu tố nước ngoài được pháp luật quy định như trên.
Ly hôn đơn phương (Hình từ Internet)
Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết ly hôn đơn phương với người nước ngoài (Trung Quốc)?
Tại điểm d khoản 1 Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định:
"Điều 469. Thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài
1. Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong những trường hợp sau đây:
[...]
d) Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;"
Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 cũng có quy định:
"Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện
[...]
3. Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
[...]"
Ngoài ra, căn cứ điểm a khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:
"Điều 37. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh
1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này, trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật này;
[...]"
Như vậy, trường hợp của bạn có thể ly hôn tại Việt Nam. Thẩm quyền giải quyết cho trường hợp của bạn sẽ thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bạn cư trú.
Thủ tục ly hôn đơn phương với người nước ngoài được quy định ra sao?
Để thực hiện việc ly hôn có yếu tố nước ngoài cần chuẩn bị hồ sơ ly hôn bao gồm:
- Đơn xin ly hôn (theo mẫu của Tòa án).
- Bản chính Giấy chứng nhận kết hôn (nếu có), trong trường hợp mất bản chính Giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao có xác nhận sao y bản chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
- Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu; Hộ khẩu (bản sao chứng thực).
- Bản sao Giấy khai sinh của con (nếu có con).
- Bản sao chứng thực chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (nếu có tranh chấp tài sản).
- Hồ sơ tài liệu chứng minh việc một bên đang ở nước ngoài (nếu có)
Lưu ý : Nếu hai bên đăng ký kết hôn theo pháp luật nước ngoài muốn ly hôn tại Việt Nam thì phải hợp thức lãnh sự Giấy đăng ký kết hôn và làm thủ tục ghi chú vào sổ đăng ký tại Sở Tư pháp rồi mới nộp đơn xin ly hôn tại tòa.
Các bước thực hiện thủ tục ly hôn như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ hợp lệ về việc xin ly hôn tại Tòa án có thẩm quyền.
Bước 2: Trong thời hạn 7 - 15 ngày, Tòa án kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì Tòa án sẽ gửi thông báo tạm ứng án phí.
Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự tại Chi cục thi hành án dân sự có thẩm quyền và nộp biên lai tạm ứng án phí cho Tòa án.
Bước 4: Tòa án mở phiên hòa giải tại tòa và tiến hành thủ tục ly hôn tại Tòa theo thủ tục sơ thẩm.
Thời gian giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài là từ 4 - 6 tháng từ ngày thụ lý theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành.
Căn cứ theo mục Danh mục án phí, lệ phí tòa án Ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định:
(1) Đối với tranh chấp về hôn nhân gia đình không có giá ngạch (ví dụ bạn chỉ yêu cầu tòa án chấp nhận yêu cầu ly hôn, chấm dứt quan hệ hôn nhân với chồng còn tài sản thì hai vợ chồng bạn tự thỏa thuận với nhau) thì mức án phí sẽ là: 300.000 đồng
(2) Đối với tranh chấp về hôn nhân gia đình có giá ngạch (ví dụ trong đơn ly hôn bạn có yêu cầu tòa án phân chia tài sản giữa hai vợ chồng) thì mức án phí được xác định dựa trên giá trị tài sản có tranh chấp trong vụ án.
(3) Đối với việc dân sự thì lệ phí sơ thẩm giải quyết yêu cầu về hôn nhân và gia đình là 300.000 đồng.
Như vậy, tùy vào từng trường hợp cụ thể, mức án phí sơ thẩm khi ly hôn sẽ được xác định dựa theo quy định nêu trên.
Tải về mẫu đơn xin ly hôn đơn phương mới nhất 2023: Tại Đây
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Diện tích tính tiền sử dụng đất đối với trường hợp Nhà nước giao đất được xác định như thế nào?
- Kịch bản tổng kết chi hội phụ nữ cuối năm 2024 ngắn gọn? Tổng kết công tác Hội phụ nữ năm 2024 ngắn gọn?
- Cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin không được sử dụng thông tin nào trên môi trường mạng?
- Mẫu biên bản bàn giao công nợ mới nhất hiện nay là mẫu nào? Tải về file word biên bản bàn giao công nợ ở đâu?
- Mẫu biên bản kiểm phiếu bầu cử trong Đảng là mẫu nào? Tải về Mẫu biên bản kiểm phiếu bầu cử trong Đảng?