Có thể đăng ký đặt tên đường bộ theo tên của ca sĩ, thần tượng mình hâm mộ được không? Nguyên tắc đặt tên đường bộ là gì?
Có thể đăng ký đặt tên đường bộ theo tên của ca sĩ, thần tượng mình hâm mộ được không?
Việc đặt tên đường bộ được chia ra làm hai trường hợp là đặt tên hoặc số hiệu đường bộ ngoài đô thị và đường đô thị. Cụ thể, Điều 4 Nghị định 11/2010/NĐ-CP quy định như sau:
(1) Đặt tên hoặc số hiệu đường bộ ngoài đô thị
a) Tên đường bộ bao gồm chữ “Đường” kèm theo tên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 40 của Luật Giao thông đường bộ;
Dẫn chiếu đến quy định tại điểm a khoản 1 Điều 40 Luật Giao thông đường bộ 2008 như sau:
"Điều 40. Đặt tên, số hiệu đường bộ
1. Đường bộ được đặt tên hoặc số hiệu như sau:
a) Tên đường được đặt tên danh nhân, người có công hoặc tên di tích, sự kiện lịch sử, văn hóa, tên địa danh hoặc tên theo tập quán; số hiệu đường được đặt theo số tự nhiên kèm theo chữ cái nếu cần thiết; trường hợp đường đô thị trùng với quốc lộ thì sử dụng cả tên đường đô thị và tên, số hiệu quốc lộ;"
b) Số hiệu đường bộ gồm chữ viết tắt hệ thống đường bộ và số tự nhiên cách nhau bằng dấu chấm;
Chữ viết tắt của các hệ thống đường bộ như sau: quốc lộ (QL), đường cao tốc (CT), đường tỉnh (ĐT), đường huyện (ĐH).
Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể các số tự nhiên cho từng địa phương để đặt số hiệu cho hệ thống đường tỉnh.
Trường hợp đặt một số hiệu cho nhiều đường cao tốc, nhiều quốc lộ hoặc nhiều đường tỉnh, đường huyện, đường trong cùng một địa phương thì kèm thêm một chữ cái lần lượt từ B đến Z, trừ đường bộ đầu tiên đặt số hiệu đó.
c) Trường hợp tách tỉnh, đường tỉnh đã có đi qua địa phận hai tỉnh mới hoặc trường hợp sáp nhập tỉnh mà đường tỉnh đã có đi qua một tỉnh mới thì giữ nguyên tên hoặc số hiệu, điểm đầu, điểm cuối;
d) Đoạn tuyến có nhiều đường bộ đi trùng nhau thì việc đặt tên hoặc số hiệu như sau:
- Đoạn đường bộ trùng nhau thuộc một hệ thống đường bộ thì đặt tên hoặc số hiệu theo đường bộ có cấp kỹ thuật cao hơn;
- Đoạn đường bộ trùng nhau thuộc nhiều hệ thống đường bộ thì đặt tên hoặc số hiệu của đường bộ thuộc hệ thống đường bộ có cấp quản lý cao hơn.
đ) Tên, số hiệu đường bộ thuộc mạng lưới đường theo Điều ước quốc tế thì sử dụng đồng thời tên, số hiệu trong nước và tên, số hiệu theo Điều ước quốc tế liên quan;
e) Đối với đường xã chỉ đặt tên gồm chữ “Đường” kèm theo tên địa danh hoặc tên theo tập quán.
(2) Đặt tên hoặc số hiệu đường đô thị
a) Số hiệu đường đô thị gồm chữ viết tắt hệ thống đường đô thị (ĐĐT) và số tự nhiên cách nhau bằng dấu chấm;
b) Đặt tên đường đô thị thực hiện theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.
(3) Trường hợp đường đô thị trùng với quốc lộ thì sử dụng cả tên đường đô thị và tên, số hiệu quốc lộ.
Có thể thấy, việc đặt tên đường bộ phải đảm bảo tuân theo nguyên tắc đặt theo tên danh nhân, người có công hoặc tên di tích, sự kiện lịch sử, văn hóa, tên địa danh hoặc tên theo tập quán. Do đó, bạn không thể đăng ký lấy tên của ca sĩ, thần tượng thông thường đặt cho tên đường bộ.
Đặt tên đường bộ
Tên đường bộ được đặt theo nguyên tắc nào?
Nguyên tắc đặt tên hoặc số hiệu đường bộ được quy định tại Điều 3 Nghị định 11/2010/NĐ-CP cụ thể như sau:
- Mỗi tuyến đường bộ được đặt tên hoặc số hiệu.
- Các tuyến đường bộ xây dựng mới được đặt tên hoặc số hiệu theo quy định của Nghị định này; việc đặt tên hoặc số hiệu đường bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông và công tác quản lý đường bộ.
- Điểm đầu, điểm cuối của quốc lộ, đường cao tốc được đặt theo hướng Bắc - Nam hoặc Đông - Tây hoặc từ Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đi các trung tâm hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điểm đầu, điểm cuối của đường tỉnh, đường huyện được xác định theo hướng như quy định đối với quốc lộ hoặc từ trung tâm hành chính tỉnh đến thị xã, thị trấn hoặc từ quốc lộ đến trung tâm hành chính tỉnh, trung tâm hành chính huyện, thị xã, thị trấn.
- Các đường đã được đặt tên hoặc số hiệu đường bộ và xác định điểm đầu, điểm cuối trước khi Nghị định này có hiệu lực thì giữ nguyên như cũ.
Thẩm quyền đặt tên đường bộ thuộc về tổ chức nào?
Thẩm quyền đặt tên đường bộ theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 11/2010/NĐ-CP thuộc về:
- Bộ Giao thông vận tải đặt tên, số hiệu đường thuộc hệ thống quốc lộ;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đặt số hiệu đường thuộc hệ thống đường đô thị, đường tỉnh; đặt tên hoặc số hiệu đường thuộc hệ thống đường huyện;
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đặt tên đường thuộc hệ thống đường đô thị, đường tỉnh trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cùng cấp;
- Ủy ban nhân dân cấp huyện đặt tên đường thuộc hệ thống đường xã.
Bên cạnh đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân đặt tên, số hiệu đường bộ theo thẩm quyền có trách nhiệm công bố tên, số hiệu đường bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bộ đội địa phương là lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân? Chỉ huy cao nhất trong Quân đội nhân dân?
- Việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản từ 2025 như thế nào? Tài sản nào không được kê biên trong thi hành án dân sự?
- Concert ATSH đêm 3 và đêm 4 tổ chức tại sân Mỹ Đình được UBND Thành phố Hà Nội thống nhất theo Thông báo 4032?
- Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất ở có phải xin phép không? Điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa như thế nào?
- Giới nghiêm là biện pháp cấm người đi lại đúng không? Ai ban bố lệnh giới nghiêm tại địa phương cấp tỉnh?