Con duy nhất trong gia đình có đương nhiên được hưởng di sản thừa kế sau khi cha mẹ mất hay không?
Con duy nhất trong gia đình có đương nhiên được hưởng di sản thừa kế sau khi cha mẹ mất hay không?
Theo Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015, người thừa kế di sản thừa kế phải đáp ứng những điều kiện như sau:
- Phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế.
Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết hoặc là thời điểm người đó được Tòa án tuyên bố chết.
- Đã được sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
- Với người thừa kế không là cá nhân thì khi nhận di sản theo di chúc phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Hiện nay, có 02 hình thức hưởng di sản thừa kế là theo di chúc và theo pháp luật. Trường hợp người có tài sản không lập di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì tài sản của người chết sẽ được chia theo pháp luật.
* Thừa kế theo di chúc
Theo Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người để lại di sản thừa kế (Người lập di chúc) có quyền phân chia, chỉ định người thừa kế... đối với phần di sản mà mình để lại.
Do đó, trong trường hợp cha mẹ có lập di chúc (Di chúc hợp pháp) để lại tài sản cho đứa con duy nhất thì đương nhiên đứa con sẽ được hưởng di sản thừa kế theo nội dung di chúc.
Tuy nhiên, trường hợp trong nội dung di chúc không phân định tài sản cho đứa con duy nhất thì đứa con vẫn có thể được hưởng di sản thừa kế bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật khi thuộc một trong 02 trường hợp sau quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015:
(1) Con chưa thành niên;
(2) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Lưu ý: Trường hợp phát sinh người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc không áp dụng đối với 02 đối tượng sau:
+ Người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015;
+ Người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015.
Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 quy định nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người không được quyền hưởng di sản mà vẫn cho họ hưởng thì những người này vẫn được hưởng di sản theo di chúc.
* Thừa kế theo pháp luật
Theo Điều 649 Bộ luật Dân sự 2015, thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong 04 trường hợp được quy định tại Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015, gồm:
(1) Không có di chúc;
(2) Di chúc không hợp pháp;
(3) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
(4) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự tại khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Lưu ý: Những người ở hàng thừa kế thứ 2, thứ 3 chỉ được hưởng thừa kế khi người ở hàng thừa kế thứ 1 không còn ai do:
- Đã chết;
- Từ chối nhận di sản;
- Không được quyền hưởng di sản;
- Bị truất quyền hưởng di sản.
Có thể thấy, ngoài đứa con (con đẻ/con nuôi) thì hàng thừa kế thứ 1 còn bao gồm cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi của người để lại di sản (ông bà của đứa con).
Như vậy, đứa con duy nhất trong gia đình không đương nhiên được hưởng thừa kế nếu:
- Di chúc thừa kế không chỉ định người này được hưởng di sản thừa kế đồng thời người này không thuộc trường hợp được hưởng không phụ thuộc di chúc;
- Thuộc trường hợp không được hưởng thừa kế theo pháp luật.
Con duy nhất trong gia đình có đương nhiên được hưởng di sản thừa kế sau khi cha mẹ mất hay không? (Hình từ Internet)
Di chúc để lại di sản thừa kế gồm có những nội dung chủ yếu nào?
Nội dung của di chúc được quy định tại khoản 1 Điều 631 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Nội dung của di chúc
1. Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;
b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
d) Di sản để lại và nơi có di sản.
2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, di chúc có thể có các nội dung khác.
3. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.
Theo đó, di chúc để lại di sản thừa kế gồm có những nội dung chủ yếu sau đây:
- Ngày, tháng, năm lập di chúc;
- Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
- Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
- Di sản để lại và nơi có di sản.
Ngoài các nội dung chủ yếu trên đây, di chúc để lại di sản thừa kế có thể có các nội dung khác.
Người lập di chúc để lại di sản thừa kế có được yêu cầu công chứng bản di chúc hay không?
Theo Điều 635 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về di chúc có công chứng hoặc chứng thực như sau:
Di chúc có công chứng hoặc chứng thực
Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc.
Theo đó, người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu xác nhận kết quả giao dịch chứng khoán tại Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam?
- Mẫu đơn đăng ký nhu cầu hỗ trợ hợp tác xã mới nhất theo Nghị định 113? Hồ sơ đăng ký nhu cầu hỗ trợ bao gồm gì?
- Mức cho vay nội bộ tối đa của hợp tác xã là bao nhiêu? Lãi suất áp dụng đối với khoản nợ vay quá hạn thế nào?
- Mẫu bản nhận xét đánh giá cán bộ chiến sỹ Công an nhân dân mới nhất? Hướng dẫn cách viết bản nhận xét?
- Cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng gồm các thông tin nào? Phân loại thông tin trong cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng?