Con là giảng viên đại học có được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa từ bố mẹ không? Chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất ở có được không?
Con là giảng viên đại học có được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa từ bố mẹ không?
Căn cứ khoản 3 Điều 191 Luật Đất đai 2013 quy định:
“Điều 191. Trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.
2. Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
3. Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
4. Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.”
Căn cứ khoản 2 Điều 3 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT cũng có quy định:
"Điều 3. Việc xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp
…
2. Các căn cứ để xác định cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp:
a) Đang sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất; do nhận chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất nông nghiệp mà chưa được Nhà nước công nhận;
b) Không thuộc đối tượng được hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội;
c) Có nguồn thu nhập thường xuyên từ sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất đang sử dụng quy định tại Điểm a Khoản này, kể cả trường hợp không có thu nhập thường xuyên vì lý do thiên tai, thảm họa môi trường, hỏa hoạn, dịch bệnh;
d) Trường hợp giao đất nông nghiệp cho cá nhân theo quy định tại Điều 54 của Luật đất đai, đăng ký nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa của cá nhân thì chỉ căn cứ quy định tại Điểm b Khoản này.
…”
Từ những quy định trên thì cá nhân nhận chuyển nhượng đất trồng lúa phải là cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Cá nhân đó phải đáp ứng các điều kiện trên.
Như vậy con làm giảng viên đại học không được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa từ bố mẹ vì giảng viên đại học thuộc đối tượng được hưởng lương thường xuyên và không phải là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Đất trồng lúa (Hình từ Internet)
Chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất ở có được không?
Căn cứ khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai 2013 quy định:
“Điều 10. Phân loại đất
…
2. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
a) Đất ở gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;
b) Đất xây dựng trụ sở cơ quan;
c) Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;
…”
Như vậy đất ở được xem là đất phi nông nghiệp
Mặt khác căn cứ khoản 1 Điều 134 Luật Đất đai 2013 quy định:
“Điều 134. Đất trồng lúa
1. Nhà nước có chính sách bảo vệ đất trồng lúa, hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Trường hợp cần thiết phải chuyển một phần diện tích đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích khác thì Nhà nước có biện pháp bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa.
Nhà nước có chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.
…”
Và Điều 5 Nghị định 35/2015/NĐ-CP quy định:
“Điều 5. Chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp
1. Người được nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước phải thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai và phải nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa.
2. Tùy theo điều kiện cụ thể tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức nộp cụ thể nhưng không thấp hơn 50% số tiền được xác định theo diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải chuyển sang đất phi nông nghiệp nhân với giá của loại đất trồng lúa tính theo Bảng giá đất tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất.
3. Người được nhà nước giao đất, cho thuê đất lập bản kê khai số tiền phải nộp, tương ứng với diện tích đất chuyên trồng lúa nước được nhà nước giao, cho thuê và nộp vào ngân sách cấp tỉnh theo quy định.”
Vậy, đất trồng lúa có thể chuyển đổi thành đất ở nhưng sẽ bị hạn chế, và phải tùy theo kế hoạch sử dụng đất của địa phương mà sẽ có quy hoạch sử dụng đất cụ thể.
Đồng thời việc chuyển mục đích sử dụng đất này cần được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại Điều 57 Luật Đất đai.
Người sử dụng đất trồng lúa phải tuân thủ những quy định gì?
Căn cứ Điều 6 Nghị định 35/2015/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của người sử dụng đất trồng lúa:
"1. Sử dụng đúng mục đích theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt.
2. Sử dụng có hiệu quả, không bỏ đất hoang, không làm ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
3. Canh tác đúng kỹ thuật, thực hiện luân canh, tăng vụ để nâng cao hiệu quả sản xuất; cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất trồng lúa, bảo vệ môi trường sinh thái.
4. Người sử dụng đất trồng lúa thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
5. Khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa:
a) Phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định này;
b) Không được làm hư hỏng hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng và ảnh hưởng xấu tới việc sản xuất lúa ở các khu vực liền kề;
c) Trường hợp làm hư hỏng hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng phải có biện pháp khắc phục kịp thời và phải bồi thường nếu gây ảnh hưởng xấu tới sản xuất lúa của các hộ ở khu vực liền kề;
d) Trường hợp đất bị nhiễm mặn tạm thời trong vụ nuôi trồng thủy sản nước mặn, thì phải có biện pháp phục hồi để trồng vụ lúa ngay sau vụ nuôi trồng thủy sản.
6. Khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa:
a) Phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đất đai đối với điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và quy định tại Điều 5 của Nghị định này;
b) Áp dụng các biện pháp phòng, chống ô nhiễm, thoái hóa môi trường đất, nước, không làm ảnh hưởng tới sản xuất lúa của khu vực liền kề. Trường hợp gây ảnh hưởng xấu phải có biện pháp khắc phục kịp thời và phải bồi thường thiệt hại."
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chủ đầu tư xây dựng có phải là người sở hữu vốn, vay vốn không? Trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc của chủ đầu tư?
- Mẫu Báo cáo tổng kết cuối năm của công ty mới nhất? Tải về Mẫu Báo cáo tổng kết cuối năm ở đâu?
- Tải về mẫu bảng chi tiêu gia đình hàng tháng? Thu nhập một tháng bao nhiêu được coi là gia đình thuộc hộ nghèo?
- Thông tư 12 2024 sửa đổi Thông tư 02 2022 quy định đến ngành đào tạo trình độ đại học thạc sĩ tiến sĩ?
- Khi xảy ra sự kiện gì công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường? Nội dung công bố thông tin định kỳ là gì?