Công an có quyền vào rạp chiếu phim tiến hành kiểm tra đột xuất độ tuổi người xem phim hay không?
Công an vào rạp chiếu phim kiểm tra đột xuất độ tuổi người xem được không?
Kinh doanh dịch vụ phổ biến phim là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục VI Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư 2020 (được sửa đổi bởi Điều 48 Luật Điện ảnh 2022).
Căn cứ khoản 10, khoản 11 Điều 16 Luật Công an nhân dân 2018, Công an nhân dân có nhiệm vụ quản lý về an ninh, trật tự đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và tiến hành kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn xã hội,...
Theo đó, lực lượng công an có quyền quản lý và tiến hành kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ phổ biến phim tại các rạp phim.
Theo quy định tại Điều 46 Luật Thanh tra 2022 quy định về các hình thức thanh tra như sau:
Hình thức thanh tra
1. Hoạt động thanh tra được thực hiện theo kế hoạch hoặc đột xuất.
2. Thanh tra theo kế hoạch được tiến hành theo kế hoạch thanh tra đã được ban hành.
3. Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao.
Đồng thời theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Nghị định 96/2016/NĐ-CP về kiểm tra, thanh tra như sau:
Kiểm tra, thanh tra
1. Cơ quan Công an có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định về an ninh, trật tự đối với cơ sở kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo phương thức định kỳ không quá một lần trong một năm hoặc đột xuất.
Việc kiểm tra, thanh tra đột xuất chỉ được thực hiện khi phát hiện cơ sở kinh doanh có vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự; có đơn khiếu nại, tố cáo của tổ chức hoặc cá nhân về vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự trong cơ sở kinh doanh; phục vụ tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.
...
Như vậy, lực lượng công an có quyền kiểm tra đột xuất độ tuổi của người xem trong rạp chiếu phim nếu phát hiện rạp phim vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự cụ thể là vấn đề kiểm soát độ tuổi của người xem phim hoặc có đơn khiếu nại, tố cáo của tổ chức hoặc cá nhân khác liên quan đến vấn đề này.
Công an có quyền vào rạp chiếu phim tiến hành kiểm tra đột xuất độ tuổi người xem phim hay không? (Hình từ Internet)
Rạp chiếu phim bán vé phim dán nhãn 18+ cho trẻ em bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL, phim dán nhãn 18+ được hiểu là phim loại T18, phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên.
Đồng thời theo điểm c khoản 4 Điều 8 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về phổ biến phim
...
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
...
c) Phổ biến phim cho khán giả không đúng độ tuổi theo quy định hoặc để khán giả không đúng với độ tuổi theo quy định vào rạp xem phim;
...
Theo đó, hành vi phổ biến phim cho khán giả không đúng độ tuổi theo quy định hoặc để khán giả không đúng với độ tuổi theo quy định vào rạp xem phim có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Đây là mức phạt hành chính áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức thực hiện cùng hành vi vi phạm sẽ áp dụng mức phạt bằng 02 lần cá nhân (Theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 128/2022/NĐ-CP).
Như vậy, rạp chiếu phim có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng nếu bán vé cho trẻ em xem các thể loại phim dán nhãn 18+.
Các loại phim được phân loại dựa trên những tiêu chí nào?
Căn cứ theo Điều 2 Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL, phim được phân loại theo mức độ từ thấp đến cao như sau:
(1) Loại P: Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi;
(2) Loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ;
(3) Loại T13 (13+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên;
(4) Loại T16 (16+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên;
(5) Loại T18 (18+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên;
(6) Loại C: Phim không được phép phổ biến.
Tiêu chí phân loại phim được quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL như sau:
Tiêu chí phân loại phim
1. Tiêu chí phân loại phim bao gồm:
a) Tiêu chí về chủ đề, nội dung;
b) Tiêu chí về bạo lực;
c) Tiêu chí về khỏa thân, tình dục;
d) Tiêu chí về ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện;
đ) Tiêu chí về kinh dị;
e) Tiêu chí về ngôn ngữ thô tục;
g) Tiêu chí về hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước.
...
Theo đó, phim được phân loại dựa trên những tiêu chí sau đây:
- Tiêu chí về chủ đề, nội dung;
- Tiêu chí về bạo lực;
- Tiêu chí về khỏa thân, tình dục;
- Tiêu chí về ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện;
- Tiêu chí về kinh dị;
- Tiêu chí về ngôn ngữ thô tục;
- Tiêu chí về hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mức cho vay nội bộ tối đa của hợp tác xã là bao nhiêu? Lãi suất áp dụng đối với khoản nợ vay quá hạn thế nào?
- Mẫu bản nhận xét đánh giá cán bộ chiến sỹ Công an nhân dân mới nhất? Hướng dẫn cách viết bản nhận xét?
- Cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng gồm các thông tin nào? Phân loại thông tin trong cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng?
- Hướng dẫn điền mẫu bản kê khai tài sản thu nhập bổ sung dành cho cán bộ, công chức? Tải mẫu bản kê khai bổ sung?
- Thông tư 50 2024 quy định ngân hàng không gửi tin nhắn SMS thư điện tử có chứa link cho khách hàng từ ngày 1 1 2025?