Công ty bị hủy niêm yết nhưng vẫn là công ty đại chúng có phải duy trì số lượng tối thiểu thành viên độc lập Hội đồng quản trị hay không?
- Cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi nào?
- Công ty bị hủy niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng có phải duy trì số lượng tối thiểu thành viên độc lập Hội đồng quản trị hay không?
- Đối tượng nào có trách nhiệm giám sát việc duy trì điều kiện niêm yết chứng khoán của các tổ chức niêm yết?
Cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP về hủy bỏ niêm yết bắt buộc:
Theo đó, cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:
- Tổ chức niêm yết hủy tư cách công ty đại chúng theo thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;
- Tổ chức niêm yết ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính từ 01 năm trở lên;
- Tổ chức niêm yết bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành;
- Cổ phiếu không có giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán trong thời hạn 12 tháng;
- Cổ phiếu không đưa vào giao dịch trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Sở giao dịch chứng khoán chấp thuận đăng ký niêm yết;
- Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét;
- Tổ chức niêm yết chấm dứt sự tồn tại do tổ chức lại, giải thể hoặc phá sản;
- Tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất của tổ chức niêm yết hoặc có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 03 năm liên tiếp;
- Tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp;
- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán phát hiện tổ chức niêm yết giả mạo hồ sơ niêm yết;
- Tổ chức niêm yết bị xử lý vi phạm về các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 7 Điều 12 Luật Chứng khoán;
- Tổ chức niêm yết bị đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động đối với ngành nghề hoặc hoạt động kinh doanh chính;
- Không đáp ứng điều kiện niêm yết do sáp nhập, tách doanh nghiệp và các trường hợp cơ cấu lại doanh nghiệp; hoặc sau khi hoàn thành các hoạt động sáp nhập, tách doanh nghiệp và các trường hợp cơ cấu lại doanh nghiệp nhưng không thực hiện thủ tục đăng ký niêm yết, đề nghị xem xét lại điều kiện niêm yết hoặc thay đổi đăng ký niêm yết trong thời hạn quy định;
- Tổ chức niêm yết vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Sở giao dịch chứng khoán và các trường hợp khác mà Sở giao dịch chứng khoán hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Công ty bị hủy niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng có phải duy trì số lượng tối thiểu thành viên độc lập Hội đồng quản trị hay không?
Căn cứ tại Điều 276 Nghị định 155/2020/NĐ-CP về thành phần Hội đồng quản trị:
Thành phần Hội đồng quản trị
1. Số lượng thành viên Hội đồng quản trị của công ty đại chúng ít nhất là 03 người và nhiều nhất là 11 người.
2. Cơ cấu Hội đồng quản trị của công ty đại chúng phải đảm bảo tối thiểu một phần ba (1/3) tổng số thành viên Hội đồng quản trị là thành viên không điều hành.
3. Trường hợp công ty đại chúng chưa niêm yết hoạt động theo mô hình quy định tại điểm b khoản 1 Điều 137 Luật Doanh nghiệp, cơ cấu thành viên Hội đồng quản trị của công ty phải đảm bảo ít nhất một phần năm (1/5) tổng số thành viên Hội đồng quản trị là thành viên độc lập. Trường hợp số thành viên Hội đồng quản trị của công ty đại chúng chưa niêm yết hoạt động theo mô hình nêu trên có ít hơn 05 người, công ty phải đảm bảo có 01 thành viên Hội đồng quản trị là thành viên độc lập.
4. Số lượng thành viên Hội đồng quản trị độc lập của công ty niêm yết phải đảm bảo quy định sau:
a) Có tối thiểu 01 thành viên độc lập trong trường hợp công ty có số thành viên Hội đồng quản trị từ 03 đến 05 thành viên;
b) Có tối thiểu 02 thành viên độc lập trong trường hợp công ty có số thành viên Hội đồng quản trị từ 06 đến 08 thành viên;
c) Có tối thiểu 03 thành viên độc lập trong trường hợp công ty có số thành viên Hội đồng quản trị từ 09 đến 11 thành viên.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 137 Luật Doanh nghiệp 2020 về cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần:
Cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần
1. Trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác, công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:
a) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;
b) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị. Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm toán quy định tại Điều lệ công ty hoặc quy chế hoạt động của Ủy ban kiểm toán do Hội đồng quản trị ban hành.
Đối chiếu với thông tin mà anh cung cấp:
- Công ty anh bị hủy niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng.
- Công ty hoạt động theo mô hình Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Tổng giám đốc.
Như vậy, đối với trường hợp công ty bị hủy niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng và hoạt động theo mô hình Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Tổng giám đốc thì không cần phải đảm bảo số lượng thành viên hội đồng quản trị độc lập tối thiểu theo quy định.
Lưu ý: Mặc dù công ty đã bị hủy niêm yết nhưng vẫn là công ty đại chúng nên vẫn phải đảm bảo tối thiểu một phần ba (1/3) tổng số thành viên Hội đồng quản trị là thành viên không điều hành.
Công ty bị hủy niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng có phải duy trì số lượng tối thiểu thành viên độc lập Hội đồng quản trị hay không? (Hình từ Internet)
Đối tượng nào có trách nhiệm giám sát việc duy trì điều kiện niêm yết chứng khoán của các tổ chức niêm yết?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 46 Luật Chứng khoán 2019 về quyền và nghĩa vụ của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam:
Quyền và nghĩa vụ của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam
1. Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có các quyền sau đây:
...
đ) Chấp thuận, thay đổi, hủy bỏ niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán và giám sát việc duy trì điều kiện niêm yết chứng khoán của các tổ chức niêm yết;
e) Chấp thuận, hủy bỏ tư cách thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam;
g) Cung cấp dịch vụ đấu giá, đấu thầu; dịch vụ về thông tin thị trường và thông tin liên quan đến chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch; dịch vụ phát triển hạ tầng công nghệ cho thị trường chứng khoán và các dịch vụ liên quan khác theo quy định tại Điều lệ Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam;
...
Như vậy, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm và quyền hạn trong giám sát việc duy trì điều kiện niêm yết chứng khoán của các tổ chức niêm yết.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?