Công ty có được khám xét người hay túi xách, balo của nhân viên trước khi ra về không? Nếu không thì công ty sẽ bị xử lý như thế nào?
Công ty có quyền khám xét người nhân viên trước khi ra về không?
Nếu xét theo quy định thì về nguyên tắc là không được khám xét người như vậy, kể cả người đó là nhân viên của công ty.
Vì căn cứ theo khoản 1 Điều 20 Hiến pháp 2013 có quy định như sau:
"1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm."
Và căn cứ theo khoản 1 Điều 21 Hiến pháp 2013 có quy định như sau:
"1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn."
Như vậy có nghĩa nguyên tắc là mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, về thân thể nên việc xét túi đồ cá nhân, khám xét người nếu đứng về góc độ quy định là sai.
Mặc dù trên thực tế rất nhiều các công ty đang áp dụng việc này, nhưng hành vi này là trái với quy định pháp luật.
Khám xét người (Hình từ Internet)
Khám xét người như thế nào là đúng quy định?
Căn cứ theo Điều 193, Điều 194 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định như sau:
"Điều 193. Thẩm quyền ra lệnh khám xét
1. Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét. Lệnh khám xét của những người được quy định tại khoản 2 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn trước khi thi hành.
2. Trong trường hợp khẩn cấp, những người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 110 của Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi khám xét xong, người ra lệnh khám xét phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ việc, vụ án.
3. Trước khi tiến hành khám xét, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp về thời gian và địa điểm tiến hành khám xét để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc khám xét, trừ trường hợp khám xét khẩn cấp. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám xét. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản khám xét.
4. Mọi trường hợp khám xét đều được lập biên bản theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này và đưa vào hồ sơ vụ án.
Điều 194. Khám xét người
1. Khi bắt đầu khám xét người, người thi hành lệnh khám xét phải đọc lệnh và đưa cho người bị khám xét đọc lệnh đó; giải thích cho người bị khám xét và những người có mặt biết quyền và nghĩa vụ của họ.
Người tiến hành khám xét phải yêu cầu người bị khám xét đưa ra các tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án, nếu họ từ chối hoặc đưa ra không đầy đủ các tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì tiến hành khám xét.
2. Việc khám xét người phải do người cùng giới thực hiện và có người khác cùng giới chứng kiến. Việc khám xét không được xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị khám xét.
3. Có thể tiến hành khám xét người mà không cần có lệnh trong trường hợp bắt người hoặc khi có căn cứ để khẳng định người có mặt tại nơi khám xét giấu trong người vũ khí, hung khí, chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án."
Như vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định cụ thể về việc khám xét người như trên. Việc khám xét người chỉ thực hiện khi có lệnh, và chỉ cơ quan có thẩm quyền mới được tiến hành khám xét.
Do đó, không có bất kỳ cá nhân, lãnh đạo nào công ty có quyền khám xét người, cụ thể khám xét túi xách, balo, vali...của nhân viên trước khi ra về.
Việc khám xét người là xâm phạm đến thân thể, danh dự, nhân phẩm của nhân viên trong công ty.
Công ty khám xét người nhân viên sẽ bị xử lý như thế nào?
Hiện nay không có quy định xử phạt trực tiếp hành vi người sử dụng lao động khám xét người nhân viên.
Tuy nhiên hành vi này xâm phạm đến thân thể, danh dự, nhân phẩm của nhân viên nên có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ theo điểm a khoản 3, điểm c khoản 4 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất như sau:
"3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:
a) Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín hoặc nhân phẩm của người lao động khi xử lý kỷ luật lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; [...]
4. Biện pháp khắc phục hậu quả
c) Buộc người sử dụng lao động xin lỗi công khai đối với người lao động và trả toàn bộ chi phí điều trị, tiền lương cho người lao động trong thời gian điều trị nếu việc xâm phạm gây tổn thương về thân thể người lao động đến mức phải điều trị tại cơ sở y tế khi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều này; [...]"
Và mức phạt tiền này áp dụng đối với cá nhân còn tổ chức thì mức phạt gấp 02 lần quy định trên căn cứ theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lỗi nghe điện thoại khi lái xe ô tô 2025 phạt bao nhiêu tiền? Nghe điện thoại khi lái xe ô tô 2025 bị trừ bao nhiêu điểm?
- Đáp án bảng C tuần 2 cuộc thi trực tuyến tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh ra sao?
- Hoàn thành nhiệm vụ có được thưởng theo Nghị định 73? Nếu có thì được thưởng bao nhiêu theo Nghị định 73?
- Chất là gì? Lượng là gì? Ví dụ về chất, lượng? Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa dựa trên nguyên tắc gì?
- Bài phát biểu ngày truyền thống học sinh sinh viên 9 1 2025 hay ý nghĩa? Hội Sinh viên Việt Nam là gì?