Công ty có được quyền cấn trừ lương để mua phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động hay không?
- Nghĩa vụ của người sử dụng lao động về đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động được quy định như thế nào?
- Công ty có được quyền cấn trừ lương để mua phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động hay không?
- Mức xử phạt đối với hành vi không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động là bao nhiêu?
Nghĩa vụ của người sử dụng lao động về đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động được quy định như thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 7 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động như sau:
Quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động
...
2. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ sau đây:
a) Xây dựng, tổ chức thực hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình cho người lao động và những người có liên quan; đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động;
b) Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động;
...
Theo đó, để đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động cho người lao động thì người sử dụng lao động sẽ có các nghĩa vụ được quy định tại khoản 2 Điều 7 nêu trên. Trong đó có nghĩa vụ trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
Công ty có được quyền cấn trừ lương để mua phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động hay không? (Hình từ Internet)
Công ty có được quyền cấn trừ lương để mua phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động hay không?
Căn cứ Điều 23 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định về phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động như sau:
Phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động
1. Người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại được người sử dụng lao động trang cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân và phải sử dụng trong quá trình làm việc.
2. Người sử dụng lao động thực hiện các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật, thiết bị để loại trừ hoặc hạn chế tối đa yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao động.
3. Người sử dụng lao động khi thực hiện trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
a) Đúng chủng loại, đúng đối tượng, đủ số lượng, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
b) Không phát tiền thay cho việc trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân; không buộc người lao động tự mua hoặc thu tiền của người lao động để mua phương tiện bảo vệ cá nhân;
c) Hướng dẫn, giám sát người lao động sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân;
d) Tổ chức thực hiện biện pháp khử độc, khử trùng, tẩy xạ bảo đảm vệ sinh đối với phương tiện bảo vệ cá nhân đã qua sử dụng ở những nơi dễ gây nhiễm độc, nhiễm trùng, nhiễm xạ.
4. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về chế độ trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động.
Theo đó, đối với người lao động làm việc trong môi trường có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bắt buộc phải trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.
Người sử dụng lao động không được phát tiền và yêu cầu người lao động tự mua phương tiện bảo vệ cá nhân. Đồng thời không được thu tiền của người lao động (kể cả trừ tiền lương) để mua phương tiện bảo vệ cá nhân.
Như vậy, công ty bạn có trách nhiệm bắt buộc phải trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động. Và không được cấn trừ lương để mua phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.
Mức xử phạt đối với hành vi không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động là bao nhiêu?
Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động như sau:
Vi phạm quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động
...
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
...
b) Không trang bị các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo quy định
...
Như vậy, nếu người sử dụng lao động không trang bị các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo quy định cho người lao động thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền là từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.
Mặc dù không có quy định cụ thể về thời gian cấp phát tuy nhiên căn cứ theo quy định xử phạt nêu trên, có thể hiểu là khi bắt đầu làm việc người lao động đã phải được trang bị và phải sử dụng trang phục và thiết bị bảo vệ.
Do đó, để tránh bị xử phạt thì công ty bạn cần chủ động bảo đảm trước khi bắt đầu làm việc phải cấp phát đủ cho người lao động về trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân.
Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi này là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Khi xảy ra sự kiện gì công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường? Nội dung công bố thông tin định kỳ là gì?
- 15 thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú của công dân theo Nghị định 154/2024 áp dụng từ 2025 thế nào?
- Lời chúc ngày truyền thống của Hội Cựu chiến binh Việt Nam 6 12 2024? Lời chúc kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội CCB Việt Nam?
- Khẩu hiệu Ngày truyền thống Hội Cựu chiến binh Việt Nam 2024 ý nghĩa? Khẩu hiệu tuyên truyền kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Hội CCB Việt Nam 2024?
- 04 báo cáo lao động doanh nghiệp phải nộp trước khi kết thúc năm? Mẫu báo cáo lao động mới nhất?