Công ty TNHH một thành viên có thể đồng thời có Hội đồng thành viên và Chủ tịch công ty hay không?
Công ty TNHH một thành viên có thể đồng thời có Hội đồng thành viên và Chủ tịch công ty hay không?
Cơ cấu tổ chức của công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu được quy định tại tại khoản 1 Điều 79 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
Cơ cấu tổ chức quản lý của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu
1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:
a) Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;
b) Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
2. Đối với công ty có chủ sở hữu công ty là doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 của Luật này thì phải thành lập Ban kiểm soát; trường hợp khác do công ty quyết định. Cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc, tiêu chuẩn, điều kiện, miễn nhiệm, bãi nhiệm, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên thực hiện tương ứng theo quy định tại Điều 65 của Luật này.
3. Công ty phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty.
4. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định khác thì cơ cấu tổ chức, hoạt động, chức năng, quyền và nghĩa vụ của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc thực hiện theo quy định của Luật này.
Bên cạnh đó, cơ cấu tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu được quy định tại Điều 85 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
Cơ cấu tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu
1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu có Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
2. Chủ sở hữu công ty là Chủ tịch công ty và có thể kiêm hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
3. Quyền, nghĩa vụ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc được quy định tại Điều lệ công ty và hợp đồng lao động.
Theo quy định trên, có thể thấy công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu chỉ được chọn một trong hai mô hình có Chủ tịch công ty hoặc có Hội đồng thành viên (và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc).
Bên cạnh đó, công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu chỉ có thể tổ chức hoạt động theo mô hình Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Do đó, công ty TNHH một thành viên không thể đồng thời có Hội đồng thành viên và Chủ tịch công ty.
Công ty TNHH một thành viên (Hình từ Internet)
Chủ tịch công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu do ai bổ nhiệm?
Người có quyền bổ nhiệm Chủ tịch công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu được quy định tại Điều 81 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
Chủ tịch công ty
1. Chủ tịch công ty do chủ sở hữu công ty bổ nhiệm. Chủ tịch công ty nhân danh chủ sở hữu công ty thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty; nhân danh công ty thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ quyền và nghĩa vụ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ sở hữu công ty về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao theo quy định của Điều lệ công ty, Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Quyền, nghĩa vụ và chế độ làm việc của Chủ tịch công ty được thực hiện theo quy định tại Điều lệ công ty, Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Quyết định của Chủ tịch công ty về thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty có hiệu lực kể từ ngày được chủ sở hữu công ty phê duyệt, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.
Theo đó, Chủ tịch công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu do chủ sở hữu công ty bổ nhiệm.
Trách nhiệm của Chủ tịch công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu là gì?
Theo Điều 83 Luật Doanh nghiệp 2020 thì Chủ tịch công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu có những trách nhiệm sau:
(1) Tuân thủ pháp luật, Điều lệ công ty, quyết định của chủ sở hữu công ty trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao.
(2) Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty và chủ sở hữu công ty.
(3) Trung thành với lợi ích của công ty và chủ sở hữu công ty; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
(4) Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho chủ sở hữu công ty về doanh nghiệp mà mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối và doanh nghiệp mà người có liên quan của mình làm chủ, cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng cổ phần, phần vốn góp chi phối. Thông báo phải được lưu giữ tại trụ sở chính của công ty.
(5) Trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Diện tích tính tiền sử dụng đất đối với trường hợp Nhà nước giao đất được xác định như thế nào?
- Kịch bản tổng kết chi hội phụ nữ cuối năm 2024 ngắn gọn? Tổng kết công tác Hội phụ nữ năm 2024 ngắn gọn?
- Cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin không được sử dụng thông tin nào trên môi trường mạng?
- Mẫu biên bản bàn giao công nợ mới nhất hiện nay là mẫu nào? Tải về file word biên bản bàn giao công nợ ở đâu?
- Mẫu biên bản kiểm phiếu bầu cử trong Đảng là mẫu nào? Tải về Mẫu biên bản kiểm phiếu bầu cử trong Đảng?