Đàm phán giá có phải hình thức lựa chọn nhà thầu không? Đàm phán giá được áp dụng đối với gói thầu nào?
Đàm phán giá có phải hình thức lựa chọn nhà thầu không?
Những hình thức lựa chọn nhà thầu được quy định tại Điều 20 Luật Đấu thầu 2023 như sau:
Các hình thức lựa chọn nhà thầu
1. Các hình thức lựa chọn nhà thầu bao gồm:
a) Đấu thầu rộng rãi;
b) Đấu thầu hạn chế;
c) Chỉ định thầu;
d) Chào hàng cạnh tranh;
đ) Mua sắm trực tiếp;
e) Tự thực hiện;
g) Tham gia thực hiện của cộng đồng;
h) Đàm phán giá;
i) Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.
2. Trường hợp phát sinh hình thức lựa chọn nhà thầu khác quy định tại khoản 1 Điều này, có tính ưu việt, sử dụng phương tiện điện tử tiến bộ, hiện đại, Chính phủ quy định về hình thức, quy trình, đối tượng phù hợp với tính năng mới của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, bảo đảm mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu.
Theo quy định trên, đàm phán giá được xem là một trong những hình thức lựa chọn nhà thầu.
Đàm phán giá (Hình từ Internet)
Đàm phán giá được áp dụng đối với gói thầu nào?
Gói thầu được áp dụng hình thức đàm phán giá quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Đấu thầu 2023 như sau:
Đàm phán giá
1. Đàm phán giá được áp dụng đối với các gói thầu sau đây:
a) Mua biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu;
b) Mua thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm chỉ có 01 hoặc 02 hãng sản xuất.
2. Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định việc áp dụng hình thức đàm phán giá, ban hành danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy định quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá.
Theo quy định trên, đàm phán giá được áp dụng đối với những gói thầu sau:
- Mua biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu.
- Mua thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm chỉ có 01 hoặc 02 hãng sản xuất.
Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ là người quyết định việc áp dụng hình thức đàm phán giá, ban hành danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá.
Đồng thời Bộ trưởng cũng sẽ quy định quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá.
Mua sắm tập trung có được thực hiện thông qua hình thức đàm phán giá không?
Việc mua sắm tập trung có được thực hiện thông qua hình thức đàm phán giá không, theo quy định tại khoản 3 Điều 53 Luật Đấu thầu 2023 như sau:
Mua sắm tập trung
1. Mua sắm tập trung được áp dụng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm với số lượng lớn, chủng loại tương tự ở một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Trường hợp mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít có thể áp dụng hình thức mua sắm tập trung để bảo đảm có đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh;
b) Thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Thẩm quyền ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung được quy định như sau:
a) Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc; danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm trong trường hợp cần thiết;
b) Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung cấp quốc gia, trừ danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo quy định tại điểm a khoản này;
c) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung (bao gồm cả danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm) thuộc phạm vi quản lý của mình, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia do Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
3. Mua sắm tập trung phải được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi. Trường hợp hàng hóa thuộc danh mục mua sắm tập trung nhưng cần mua sắm để phòng, chống dịch bệnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 23 của Luật này thì được áp dụng hình thức chỉ định thầu. Trường hợp hàng hóa thuộc danh mục mua sắm tập trung đáp ứng điều kiện đàm phán giá theo quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này thì được áp dụng hình thức đàm phán giá.
...
Như vậy, về nguyên tắc thì mua sắm tập trung phải được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi.
Tuy nhiên, trường hợp hàng hóa thuộc danh mục mua sắm tập trung đáp ứng điều kiện đàm phán giá theo quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này thì được áp dụng hình thức đàm phán giá.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mã số thông tin của công trình xây dựng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng được khởi tạo khi nào?
- Thị trường liên quan được xác định trên cơ sở nào? Nguyên tắc xác định thị phần của doanh nghiệp trên thị trường liên quan?
- Quyết định 08/2024 về Hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước thế nào? Toàn văn Quyết định 08/2024/QĐ-KTNN?
- Sĩ quan sử dụng máy tính quân sự để kết nối vào mạng Internet làm lộ lọt thông tin thì xử lý như thế nào?
- Chế độ báo cáo của đơn vị cung cấp dịch vụ Online Banking từ 1 1 2025 theo Thông tư 50 2024?