Đất trồng rừng bị bỏ hoang trong thời gian bao lâu thì người sử dụng đất sẽ bị mất quyền sử dụng đất?
Đất trồng rừng bị bỏ hoang trong thời gian bao lâu thì người sử dụng đất sẽ bị mất quyền sử dụng đất?
Hiện nay pháp luật đất đai không có quy định cụ thể thế nào là đất bỏ hoang. Tuy nhiên, có thể hiểu đất bỏ hoang là đất không đưa vào sử dụng trong một thời gian dài, gây lãng phí tài nguyên đất, thậm chí làm mất đi giá trị, mục đích sử dụng của đất.
Theo đó, đất bị bỏ hoang không được đưa vào sử dụng trong một thời gian nhất định sẽ bị Nhà nước thu hồi đất, khi đó người sử dụng đất sẽ mất quyền sử dụng phần diện tích đất này.
Khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định pháp luật, người bị thu hồi sẽ không còn quyền sử dụng đất.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013 quy định về các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai như sau:
Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai
1. Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm:
...
h) Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục;
i) Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.
...
Như vậy, các loại đất dưới đây nếu không đáp ứng được thời gian sử dụng đất liên tiếp sẽ bị thu hồi:
- Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục;
- Đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục;
- Đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục;
- Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng.
Như vậy, đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục sẽ bị Nhà nước thu hồi và khi đó người sử dụng đất sẽ bị mất quyền sử dụng đất trồng rừng.
Đất trồng rừng bị bỏ hoang trong thời gian bao lâu thì người sử dụng đất sẽ bị mất quyền sử dụng đất? (Hình từ Internet).
Bỏ hoang đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục bị xử phạt như thế nào?
Theo quy định tại Điều 32 Nghị định 91/2019/NĐ-CP có quy định như sau:
Không sử dụng đất trồng cây hàng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục
1. Hành vi không sử dụng đất trồng cây hàng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục mà không thuộc trường hợp bất khả kháng quy định tại Điều 15 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu diện tích đất không sử dụng dưới 0,5 héc ta;
b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu diện tích đất không sử dụng từ 0,5 héc ta đến dưới 03 héc ta;
c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất không sử dụng từ 03 héc ta đến dưới 10 héc ta;
d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất không sử dụng từ 10 héc ta trở lên.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc sử dụng đất theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất; trường hợp đã bị xử phạt mà không đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai.
Theo đó, trường hợp không sử dụng đất trồng trừng trong thời hạn 24 tháng liên tục mà không thuộc trường hợp bất khả kháng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể:
- Phạt tiền từ 500.000 - 01 triệu đồng nếu diện tích đất không sử dụng dưới 0,5 héc ta;
- Phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng nếu diện tích đất không sử dụng từ 0,5 héc ta - dưới 03 héc ta;
- Phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng nếu diện tích đất không sử dụng từ 03 héc ta - dưới 10 héc ta;
- Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng nếu diện tích đất không sử dụng từ 10 héc ta trở lên.
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị buộc sử dụng đất theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp đã bị xử phạt mà không đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định.
Thời hiệu xử phạt đối với hành vi bỏ hoang đất trồng rừng là bao lâu?
Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 91/2019/NĐ-CP có quy định như sau:
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là 02 năm.
2. Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc quy định tại khoản 3 Điều này thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm;
b) Đối với hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện quy định tại khoản 4 Điều này thì thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm;
...
Như vậy, theo quy định nêu trên thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi bỏ hoang đất trồng rừng là 2 năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?