Di sản thiên nhiên được công nhận dựa trên những tiêu chí nào? Trình tự, thủ tục để công nhận di sản thiên nhiên được quy định ra sao?
Di sản thiên nhiên bao gồm những gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về di sản thiên nhiên như sau:
“Điều 20. Di sản thiên nhiên
1. Di sản thiên nhiên bao gồm:
a) Vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan được xác lập theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp và thủy sản; danh lam thắng cảnh được công nhận là di sản văn hóa được xác lập theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa;
b) Di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận;
c) Di sản thiên nhiên khác được xác lập, công nhận theo quy định của Luật này.”
Tiêu chí để công nhận di sản thiên nhiên là gì?
Căn cứ khoản 2 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về tiêu chí di sản thiên nhiên như sau:
Việc xác lập, công nhận di sản thiên nhiên khác được xác lập, công nhận căn cứ vào một trong các tiêu chí sau đây:
- Có vẻ đẹp nổi bật, độc đáo hoặc hiếm gặp của thiên nhiên;
- Có giá trị điển hình về quá trình tiến hóa sinh thái, sinh học hoặc nơi cư trú tự nhiên của loài nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu hoặc chứa đựng các hệ sinh thái đặc thù, đại diện cho một vùng sinh thái tự nhiên hoặc có giá trị đa dạng sinh học đặc biệt khác cần bảo tồn;
- Có đặc điểm nổi bật, độc đáo về địa chất, địa mạo hoặc chứa đựng dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của Trái Đất;
- Có tầm quan trọng đặc biệt trong việc điều hòa khí hậu, bảo vệ nguồn nước, giữ cân bằng sinh thái, cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên.
Và căn cứ khoản 2, khoản 3 Điều 19 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định về tiêu chí đối với một số đối tượng di sản thiên nhiên khác như sau:
- Khu dự trữ sinh quyển là khu vực đáp ứng tiêu chí có giá trị đa dạng sinh học đặc biệt cần bảo tồn theo theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và được quy định chi tiết như sau:
+ Khu vực tập hợp các hệ sinh thái có tính đại diện cho một vùng địa lý sinh vật;
+ Có ranh giới rõ ràng để thực hiện phân vùng quản lý theo quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP và bảo đảm triển khai các hoạt động, xây dựng, thí điểm mô hình kết hợp giữa bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng dịch vụ hệ sinh thái, phát triển kinh tế xã hội bền vững, hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu khoa học - công nghệ, tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
- Công viên địa chất là khu vực đáp ứng tiêu chí quy định tại điểm c khoản 2 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và được quy định chi tiết như sau:
+ Có ranh giới địa lý, hành chính rõ ràng, liền khoảnh, trong đó chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất có giá trị khoa học, giáo dục và kinh tế;
+ Có các đặc điểm nổi bật, độc đáo, minh chứng cho các quá trình địa chất quan trọng trong lịch sử tiến hóa, phát triển của Trái đất, đồng thời là nơi hội tụ các giá trị về thiên nhiên, đa dạng sinh học và được nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn và khai thác, sử dụng một cách tổng thể, bền vững.
Di sản thiên nhiên được công nhân dựa trên những tiêu chí nào?
Trình tự, thủ tục công nhận di sản thiên nhiên ra sao?
Căn cứ khoản 4 Điều 19 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục xác lập, công nhận di sản thiên nhiên khác như sau:
- Tổ chức điều tra, đánh giá khu vực dự kiến xác lập di sản thiên nhiên khác;
- Xây dựng dự án xác lập di sản thiên nhiên;
- Tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan và tham vấn cộng đồng về dự án xác lập di sản thiên nhiên;
Đối với di sản thiên nhiên có ranh giới thuộc địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan;
- Tổ chức thẩm định hồ sơ dự án xác lập di sản thiên nhiên;
- Hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền ra quyết định công nhận di sản thiên nhiên.
Và theo khoản 5 Điều 19 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định về trách nhiệm lập, thẩm định dự án xác lập và thẩm quyền công nhận di sản thiên nhiên khác như sau:
- Đối với di sản thiên nhiên cấp tỉnh theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 21 Nghị định 08/2022/NĐ-CP:
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng dự án xác lập, tổ chức thẩm định và công nhận di sản thiên nhiên cấp tỉnh trên địa bàn quản lý; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, cộng đồng đề xuất xác lập di sản thiên nhiên theo quy định tại điểm này.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định dự án xác lập di sản thiên nhiên cấp tỉnh gồm đại diện Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện có ranh giới thuộc di sản thiên nhiên và các chuyên gia, nhà khoa học thuộc các lĩnh vực có liên quan;
- Đối với di sản thiên nhiên cấp quốc gia theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 21 Nghị định 08/2022/NĐ-CP:
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng dự án xác lập di sản thiên nhiên cấp quốc gia trên địa bàn quản lý và gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận di sản thiên nhiên cấp quốc gia;
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng dự án xác lập, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công nhận di sản thiên nhiên nằm trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên hoặc nằm trên vùng biển chưa xác định được trách nhiệm quản lý hành chính của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
Hội đồng thẩm định gồm các thành viên là đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan, đại diện Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ranh giới diện tích khu vực được đề cử di sản thiên nhiên và một số tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học về các lĩnh vực có liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hướng dẫn các cách nộp lệ phí môn bài 2025? Nộp lệ phí môn bài online năm 2025 như thế nào?
- Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán khi biểu quyết về quyết định giải quyết vụ án hành chính đúng không?
- Bậc thuế môn bài năm 2025 mới nhất như thế nào? Hạn chót nộp thuế môn bài năm 2025 là khi nào?
- Cán bộ, công chức, viên chức không áp dụng Nghị định 178/2024 chính sách khi sắp xếp bộ máy từ 1 1 2025 gồm những ai?
- Chính thức dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo Thông tư 29/2024 đúng không?